Chuyện đảo trưởng trẻ giải cứu ngư dân

Thời gian rảnh anh Sơn đánh đàn, thổi sáo cho vơi nỗi nhớ nhà
Thời gian rảnh anh Sơn đánh đàn, thổi sáo cho vơi nỗi nhớ nhà
TP - Sinh năm 1984 ở Hà Nội, Thượng úy Cấn Ngọc Sơn tình nguyện ra Trường Sa cùng đồng đội chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương. Anh vừa được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2013 với nhiều thành tích đặc biệt trong đó đã giải cứu 10 ngư dân tàu cá gặp nạn.

4 giờ vật lộn với sóng gió

Không ít người ngạc nhiên khi đêm lễ vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2013 lại xuất hiện một ông già tuổi ngoài 60 đeo vòng hoa lên nhận giải. Ông cười tươi, không giấu được sự xúc động trên gương mặt đã có nhiều nếp nhăn.

Chuyện đảo trưởng trẻ giải cứu ngư dân ảnh 1

Ông Thanh thứ hai (từ phải sang) thay con đi nhận giải tại Lễ vinh danh gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu

Ông là Cấn Ngọc Thanh ở xã Vùng Thượng, huyện Phúc Thọ (Hà Nội), bố của Thượng úy Cấn Ngọc Sơn hiện đang công tác ở đảo Đá Đông B, Lữ đoàn 146, vùng 4 Hải quân. Anh Sơn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô nhưng đang làm nhiệm vụ không kịp về đất liền dự lễ vinh danh, bố anh được ban tổ chức mời đến nhận giải thay. 

Bà Nguyễn Thị Trinh, mẹ anh Sơn rớm nước mắt khi trong clip giới thiệu về con trai có đoạn: “Anh cùng đồng đội vượt sóng gió cứu những ngư dân bị chìm tàu trên biển”. Bà nói: “Nó hay gọi điện về chuyện trò động viên mẹ nhưng những chuyện khó khăn, gian khổ nó giấu tiệt”. 

Ông Thanh khoe, hai năm con không về thì hai lần ông đều đại diện gia đình ra Trường Sa thăm con trai. Tận mắt chứng kiến cuộc sống, công việc của con nhưng từng là người lính ông động viên con giữ tinh thần rắn rỏi để tiếp tục nhiệm vụ.

Tốt nghiệp Trường ĐH Trần Quốc Tuấn (trường Sỹ quan Lục quân I) năm 2009, có nhiều cơ hội làm việc tại Hà Nội nhưng anh tình nguyện đến những vùng đất xa xôi để cống hiến sức trẻ. Sau một năm nhận nhiệm vụ tại Cam Ranh (Khánh Hòa), anh tình nguyện ra Trường Sa công tác. Anh Sơn chia sẻ, những ngày đầu ra đảo Cô Lin cuộc sống khác xa với đất liền, khác xa với tưởng tượng của anh. Nhưng anh và các chiến sỹ xác định vững tinh thần vượt gian khó để chắc tay súng.

Hai năm làm nhiệm vụ trên Đảo đá Cô Lin, anh được điều chuyển về đảo Đá Đông B với vai trò đảo trưởng. Ngày ngày tổ chức cho anh em sinh hoạt, tập luyện, canh gác, thời gian còn lại anh dành đọc tài liệu để phục vụ công tác.

Tháng 10/2013, anh cùng đồng đội giải cứu thành công 10 ngư dân trên tàu cá gặp nạn. Anh kể, hôm ấy là một ngày sóng to, gió lớn. Như mọi ngày khi phát hiện ra một tàu cá không thể di chuyển cách đảo chừng 2 hải lý. 

“Những chuyến tàu mang theo đoàn công tác ra thăm đảo được anh em chiến sỹ mong đợi nhất. Mỗi chuyến tàu ra, không chỉ mang thư, báo, thực phẩm mà còn có cả hơi ấm từ đất liền. Những anh chị văn công lên đảo hát và khóc, họ không nói ra nhưng có lẽ cuộc sống thiếu thốn, gian khó nơi đầu sóng ngọn gió của các anh khiến họ xúc động nhiều lắm”

 Cấn Ngọc Sơn, Đảo trưởng đảo Đá Đông B

Báo cáo cấp trên, anh cùng các chiến sỹ hạ xuồng cao tốc ra tiếp cận tàu thì biết tàu cá gặp nạn, bị thủng, nước tràn vào khoang càng lúc càng nhiều. Khi lên tàu, 10 ngư dân ở tỉnh Khánh Hòa đều khóc. Con tàu là gia tài tiền tỷ của họ. Anh cùng anh em nhanh chóng thu dọn những gì có thể cứu được. Sau 4 giờ đồng hồ vật lộn với sóng to, gió lớn anh em đã cứu được 10 ngư dân đưa vào đảo an toàn. Anh cho biết, những ngư dân sau này được anh em chiến sỹ động viên và tìm cách liên lạc với tàu cá ngư dân khác để họ trở về đất liền.

Thương người yêu nơi xa

Với anh, tình yêu là nguồn cảm hứng, động viên anh chắc tay súng. Anh kể về mối tình 3 năm có lẻ với cô gái quê Thanh Hóa đang sống và làm việc ở Cam Ranh - Khánh Hòa. Nơi đầu tiên anh đóng quân cũng là nơi bắt đầu câu chuyện tình của hai người. 

Anh kể, bạn gái anh rất yêu người lính, thường tìm đọc những bài báo viết về lính và đó cũng là cơ duyên để người đó tìm thấy địa chỉ của anh. Anh thấy mình may mắn khi cô gái ấy đã mạnh dạn viết thư làm quen để sau chừng ấy thời gian họ đã có một tình yêu lãng mạn. Anh và người yêu thường trò chuyện, nhắn tin qua điện thoại với nhau. 

Không thể ở gần nhưng cô luôn ở bên anh qua câu chuyện kể về bạn bè, những dự định, những niềm vui cô trải qua nơi đất liền. Đó là nguồn động viên, là động lực cho anh yên tâm công tác. Anh khoe, đàn ghita và cây sáo là bạn đồng hành của lính. Mỗi buổi chiều, khi nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu cồn cào anh thường mang ra thổi để anh em cùng vui.

Anh nói, thương người yêu nhiều lắm vì những cô gái yêu lính, lấy lính làm chồng đều rất dũng cảm. Khi buồn, khi vui không có người yêu bên cạnh hay cưới xong chồng cũng nhanh chóng lên đường ra đảo tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ biển trời quê hương. Anh dự định, khi được cắt phép trở về sẽ tổ chức đám cưới vì cô ấy đã chờ đợi anh gần hết cả tuổi thanh xuân.

Nói về Tết nơi đảo xa anh kể, hai năm liền cùng các chiến sỹ đón Tết trên đảo, là đảo trưởng anh luôn nghĩ làm sao tổ chức cho anh em cái Tết ấm áp nhất. “Nhận lá dong, gạo nếp từ đất liền theo các chuyến tàu gửi ra, anh em tổ chức gói bánh chưng, làm giò lụa rồi quây quần nấu bánh. Bên nồi bánh chưng, mỗi người lại kể chuyện quê mình, nhà mình. Những giây phút như thế, anh em rất xúc động”, anh Sơn nói.

Anh chia sẻ, những chuyến tàu mang theo đoàn công tác ra thăm đảo được anh em chiến sỹ mong đợi nhất. Mỗi chuyến tàu ra, không chỉ mang thư, báo, thực phẩm mà còn có cả hơi ấm từ đất liền. Những anh chị văn công lên đảo hát và khóc, họ không nói ra nhưng có lẽ cuộc sống thiếu thốn, gian khó nơi đầu sóng ngọn gió của các anh khiến họ xúc động nhiều lắm.

MỚI - NÓNG