Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết về Ukraine

TPO - Ngày 18/9, các thành viên của Nghị viện châu Âu (EP) đã ra nghị quyết đánh giá tình hình nhân đạo ở miền Đông Ukraine và các mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Nga.
EP họp bàn về tình hình Ukraine

Nghị quyết được Nghị viên châu Âu (EP) thông qua tại một phiên họp toàn thể ở thành phố Strasbourg của Pháp. Theo đó, Nghị quyết kêu gọi các nước thành viên EU cần xây dựng hệ thống các tiêu chí cụ thể đối với Moscow để tránh phải áp dụng một đợt trừng phạt mới hoặc có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hiện tại.

Các tiêu chí bao gồm việc Nga rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine, ngừng cung cấp vũ trang cho phe ly khai, tôn trọng đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn và giám sát lệnh ngừng bắn có hiệu quả.

Nghị quyết cũng kêu gọi các nước EU xem xét việc loại trừ Nga khỏi Chương trình hợp tác hạt nhân dân sự và Hệ thống Viễn thông tài chính liên ngân hàng quốc tế (SWIFT).

“EU cần phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Nga, từ bỏ khái niệm quan hệ đối tác chiến lược và tìm một cách tiếp cận thống nhất mới”, các thành viên EP cho biết.

Trong vấn đề tranh cãi khí đốt giữa Nga và Ukraine, EP hy vọng “tiếp tục các cuộc đàm phán ba bên về việc cung cấp khí đốt của Ukraine ... để tìm hướng giải quyết có lợi nhất”.

Bên cạnh đó, Nghị viện Châu Âu cũng yêu cầu các nước EU đình chỉ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt South Stream của công ty năng lượng Nga Gazprom. Được biết dự án này sẽ đi vòng qua lãnh thổ Ukraina để mang nguồn cung vào thẳng trung tâm khu vực Châu Âu.

Phản ứng lại, người đứng đầu Đoàn Chủ tịch Hội đồng Nga về chính sách Quốc phòng và Ngoại giao Fyodor Lukyanov khẳng định, Nga không đáp ứng các điều kiện trong Nghị quyết do EP đưa ra.

Theo các chuyên gia Nga, nghị quyết không có ý nghĩa thiết thực bởi nó không phải là bản hướng dẫn hành động cụ thể cho các chính phủ của các nước EU mà chỉ là “tài liệu phản ánh bầu không khí chung ở châu Âu”.

Trong khi đó, đánh giá về tình hình nhân đạo ở miền Đông Ukraine, nghị quyết của EP nêu rõ: “Người dân ở các khu vực chiến sự, những người phải sơ tán và người tị nạn cần được viện trợ nhân đạo khẩn cấp”,

Nghị quyết cũng hối thúc các nước EU “đưa ra những biện pháp bổ sung cấp bách” để chấm dứt trình trạng này, trong đó có việc “cử một phái đoàn cứu trợ nhân đạo ” đến vùng xảy ra chiến sự.

Theo Theo ITAR-TASS