Hoạt động “phập phù”, ngốn tiền ngân sách
Thống kê của 92 bộ, ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty, hiện cả nước có 5.046 đơn vị sự nghiệp công lập (đơn vị).
Trong số đó chỉ có 170 đơn vị (khoảng 3%) có nguồn thu đủ chi phí hoạt động thường xuyên, số còn lại ngân sách nhà nước phải hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều đơn vị có khả năng xã hội hóa, có nguồn thu tiềm năng như quản lý bến xe, đào tạo sát hạch lái xe, kinh doanh nhà khách, nhà nghỉ…
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Phát triển Doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho biết, tiền ngân sách nhà nước hằng năm chi cho các đơn vị sự nghiệp công lập không nhỏ. Bộ Công Thương với 54 đơn vị, chi 882 tỷ đồng/năm; Bộ GTVT chi gần 436 tỷ đồng/năm; tỉnh Phú Thọ gần 1.500 tỷ đồng/năm… “Đa số đơn vị ngại chuyển sang công ty cổ phần vì trông chờ bao cấp của nhà nước. Chuyển sang mô hình doanh nghiệp, các đơn vị e ngại, lúng túng khi tham gia thị trường cung - cầu, cạnh tranh”, ông Hùng nói.
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) việc CPH là hướng đi tốt, nhưng không dễ dàng. Đây là dịch vụ công, gắn chặt lợi ích người dân nên cần có chính sách cụ thể, phù hợp. Đặc biệt các quy định chặt chẽ khi ký kết, phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư, sẽ tránh được nguy cơ thâu tóm “đất vàng”.
Với ngành giáo dục, các chuyên gia đề xuất giữ lại hệ thống trường học phổ thông và một số trường đại học, trường dạy nghề. Các trung tâm trực thuộc trường đại học cần CPH để giảm chi ngân sách. Tương tự, ngành y tế cũng đề xuất CPH các bệnh viện trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty. Tiêu biểu, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đề nghị CPH các bệnh viện, trung tâm y tế tại địa phương (có nhiều Cty khai thác mỏ như Quảng Ninh) không mang lại hiệu quả.
Dù chưa thông qua nghị quyết và các bộ ngành kêu khó thực hiện nhưng việc CPH thành công Bệnh viện GTVT trung ương (Bộ GTVT) là bài học điển hình. TS Bác sĩ Trần Trung, Giám đốc Cty Cổ phần Bệnh viện GTVT đánh giá, khó khăn nhất trong quá trình cổ phần hóa là chuyển tâm thế cán bộ công nhân viên từ công chức nhà nước sang người lao động.
“Tôi gần 30 năm là bác sĩ, nhân viên nhà nước mà chuyển sang làm thuê cho công ty cổ phần, có thể “ra đường” bất cứ khi nào. Ai cũng lo lắng nên vấn đề chuẩn bị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên rất quan trọng. Sau 6 tháng CPH, bệnh viện thành công bước đầu như tăng lương 20% cho người lao động theo cam kết”, ông Trung cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cán bộ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp phải thay đổi tư tưởng ỷ lại vào nhà nước. “Phải dựa vào năng lực thực sự, tham gia tìm kiếm công việc. Nếu tự tin 30 năm kinh nghiệm sẽ không lo thất nghiệp”, ông Doanh đánh giá.
Chống thâu tóm “đất vàng”
Trong một hội thảo lấy ý kiến bộ ngành về dự thảo Nghị quyết gần đây, lãnh đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, vướng mắc lớn nhất khi CPH là dễ xảy ra việc nhà đầu tư thâu tóm “đất vàng”.
“Các đơn vị sự nghiệp công của Bộ NN&PTNT như Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi… nắm giữ hàng chục, hàng trăm héc ta, ở vị trí đất rất đẹp. Nếu chúng ta làm không cẩn thận, không có chế tài yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình CPH sẽ bị chuyển thành bất động sản ngay”, vị lãnh đạo này e ngại.
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Viện máy công nghiệp IMI khẳng định, để có cơ hội chiếm dụng “đất vàng”, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào các đơn vị sự nghiệp công và chờ đợi 5-10 năm sau khi CPH.
Theo lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp, các bộ ngành đều e ngại nguy cơ thâu tóm đất vàng khi CPH.
Kinh nghiệm CPH thành công với loại hình dịch vụ đặc biệt, ông Trần Trung cho rằng, quan trọng nhất là chọn nhà đầu tư có tâm, có tầm. “Sau CPH, bệnh viện lỗ tự nhiên mỗi năm 50-60 tỷ đồng (gồm 25 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp, số còn lại khấu hao máy móc, thiết bị). Trong khi đó, để hoạt động hiệu quả, có nguồn thu cần mất thời gian sắp xếp, ổn định bộ máy cán bộ công nhân viên. Nếu nhà đầu tư không đủ tâm – chỉ hướng tới việc thu lãi trước mắt và không có tầm – không đủ vốn để đầu tư, chắc chắn CPH sẽ thất bại”, ông Trung cho biết.