Mở ra chương mới

TP - Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên đường về nước, nhiều người vui mừng vì chuyến thăm lịch sử tới Mỹ đã thành công rực rỡ, đặc biệt là việc hoàn thành một chương trình dày đặc các cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư với giới chức cấp cao nhất ở Washington.

Dù nỗi đau chiến tranh vẫn còn đó, với chất độc da cam/dioxin, bom mìn chưa nổ vẫn ám ảnh người dân Việt Nam, nhưng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt-Mỹ. Dù quan điểm trong vấn đề nhân quyền còn khác biệt, quan hệ song phương dường như đã mở ra chân trời mới tươi sáng hơn.

Sau khi ký biên bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng năm 2011, Việt Nam và Mỹ tăng cường quan hệ quốc phòng-an ninh bằng tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng vào tháng 6/2015. Hai nước chia sẻ những quan tâm chiến lược đối với an ninh biển và tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ ngôn ngữ rất tương đồng với Mỹ và các đồng minh châu Á của Mỹ về nhu cầu đối với hòa bình, an ninh khu vực, đặc biệt là về tính bất khả xâm phạm của tự do đi lại trên biển, trên không, tuân thủ luật pháp quốc tế, không có hành động đơn phương phá vỡ hiện trạng.

Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện từ năm 2013, nhưng Mỹ hiện chỉ đứng thứ 7 về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có khả năng thúc đẩy việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều này sẽ dẫn tới việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, dỡ bỏ những rào cản thương mại nặng nề. Điều quan trọng là việc gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam đóng vai trò tổng quản hà hơi tiếp sức cho việc tiếp cận thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN và có thể trở thành một trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ.

Nằm ở trung tâm vấn đề là hai mục tiêu cốt yếu của Mỹ: tăng cường chính sách tái cân bằng châu Á mà một số người cho rằng trống rỗng và thay đổi định hướng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Hai thành tố của sự tái cân bằng là kinh tế và an ninh đều được chú trọng. Trên mặt trận kinh tế, khi mà các vấn đề khúc mắc về TPP đã được Đồi Capitol giải tỏa, Việt Nam trở thành điểm đến chính của Mỹ về thương mại và đầu tư ở Đông Nam Á. Mỹ sẽ tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Việt Nam, nơi mà các bạn bè và đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã có ảnh hưởng đáng kể. Về mặt chính trị, việc tạo ra đòn bẩy Mỹ trong ASEAN cũng sẽ là mục tiêu cốt lõi của chính quyền Barack Obama. Bản thân cộng đồng ASEAN chính là cơ hội thương mại khổng lồ và là thị trường đối thủ của Trung Quốc.

Trên mặt trận an ninh, Mỹ muốn các nước trong khu vực nâng cao nhận thức tình huống trên biển và muốn ngăn Trung Quốc độc chiếm biển Đông. Nhưng Mỹ sẽ có những bước đi cẩn thận, vì vẫn còn những quan điểm khác biệt trong Quốc hội Mỹ về vấn đề thúc đẩy quan hệ quốc phòng với Việt Nam và vì Mỹ không muốn gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Trong khi đó, hợp tác quân sự trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam… sẽ giúp đáp ứng nhu cầu của cả hai nước.

Một khía cạnh cực kỳ quan trọng trong cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng là Mỹ đã gửi đi một thông điệp rất rõ rằng, Mỹ nghiêm túc trong việc đưa mối quan hệ với Việt Nam lên một tầng nấc mới thực chất hơn, hiệu quả hơn. Một điều nữa quan trọng không kém là cuộc gặp lịch sử cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng tay bắt mặt mừng với lãnh đạo cấp cao của Mỹ, dù hai nước không tương đồng về hệ thống chính trị. Trong khi cả Việt Nam và Mỹ sắp bước vào giai đoạn chuyển giao chính trị, cả Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ hết nhiệm kỳ vào năm tới, cả hai nhà lãnh đạo đã đặt nền móng vững chắc cho những người kế nhiệm họ.       

 Alexander Neill (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - châu Á)