Đánh thức sự tử tế

Đánh thức sự tử tế
TP - Lòng tốt, sự tử tế đến trong veo của cô gái trẻ thật đáng khâm phục. Mồ côi cha mẹ từ bé, từ quê lên Hà Nội học đại học, ấy vậy mà cô còn dành thời gian đi giúp việc gia đình để kiếm tiền đong gạo, mua thức ăn, nấu cơm đi phát cho những người vô gia cư trong thành phố. 

Đều đặn mỗi ngày cô sinh viên đại học FPT dành vài tiếng đi giúp việc nhà để lấy tiền “nuôi” việc tử tế - phát 60 phần cơm miễn phí cho người vô gia cư. Cô lý giải hành động của mình : “Từ bé, mình và bà nội phải sống trong cảnh khó khăn thiếu thốn đủ bề. Vì thế, hơn ai hết mình luôn có sự đồng cảm và tình thương đặc biệt với những người khó khăn, bất hạnh”. 

Thời buổi này, những tấm lòng nhân ái giữa đời thường như cô sinh viên 9X Trịnh Thị Hân thật quý giá. Không chỉ giúp cho bao phận đời vô gia cư giữa Hà thành “một miếng khi đói”, mà cô sinh viên ngoại tỉnh bé nhỏ còn góp phần đánh thức tính thiện, sự tử tế đang “ngủ yên” trong biết bao con người đang quá bận bịu mưu sinh, bon chen và toan tính…

Ước mơ của cô sinh viên tỉnh lẻ, lại càng khiến những lòng tham vô đáy, ích kỷ, những quan tham chuyên vơ vét cho mình và gia đình phải hổ thẹn. Cô không mơ cho mình, chỉ “mong muốn sau này có thể mở được một quán cơm 5.000 đồng cho những người nghèo. Để họ có được những suất cơm ngon, đầy dinh dưỡng, giá rẻ”.

Những việc tử tế, tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn. Trong một xã hội, có cách nào, cơ chế nào đó để lòng tốt được lan tỏa và nhân lên, còn những điều xấu xa đáng hổ thẹn - ví như “dân gian, quan tham” và trăm ngàn thói hư tật xấu khác phải bị lên án - phải bị chặn lại, xã hội đó ắt sẽ tiến bộ, dân chủ và văn minh ! Ngược lại, nếu để cái xấu, cái ác từ việc nhỏ cho tới việc lớn cứ tràn lan, đi đâu cũng nghe cũng thấy, ắt mọi giá trị sẽ bị đảo lộn, người tài người tốt sẽ khó có đất sống, mầm thiện không có đất sinh sôi là một điều đáng lo.

MỚI - NÓNG