Loạn xe khách trá hình: Bộ quyết xử lý dứt điểm

TP - Trước thực trạng hoạt động vận tải lộn xộn, nhiều loại xe khách trá hình ngang nhiên hoạt động tại các đô thị lớn (Tiền Phong liên tục phản ánh), Lãnh đạo Bộ GTVT hạ quyết tâm xử dứt điểm.
Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ. Ảnh: Báo Giao thông

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu không giải quyết theo kiểu “che chắn”, “chắp vá”. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ hứa quản bằng được xe hợp đồng trong năm 2016.

Ngày 29/2, Bộ GTVT tổ chức hội nghị với các sở GTVT và doanh nghiệp phía Bắc, nhằm sửa đổi Nghị định kinh doanh vận tải hành khách (Nghị định 86/2014 của Chính phủ). Không gì khác, sự nở rộ của loại xe khách trá hình là vấn đề nóng nhất hội nghị này.

Có dẹp được xe trá hình?

Không chỉ nở rộ ở các tuyến phố nội thành Hà Nội và TPHCM như Tiền Phong phản ánh, đại diện sở GTVT các địa phương cũng gay gắt phản ánh tình trạng xe khách chuyên tuyến đội lốt xe hợp đồng, xe du lịch để hoạt động.

Lãnh đạo Phòng Vận tải (Sở GTVT Lào Cai) nói: “Là tỉnh có thế mạnh du lịch, đặc biệt từ khi có cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng, khách lên rất đông. Tuy nhiên, khách càng đông, xe dù, xe trá hình càng phát triển mạnh, đậu tràn các tuyến phố nhỏ. Đây là vấn đề nổi cộm nhất ở Lào Cai”. Ông này cho hay, vấn đề nằm ở chỗ các biện pháp quản lý xe hợp đồng hiện nay không hiệu quả, hình thức nên xe này bị biến tướng thành xe khách chuyên tuyến. “Ngày nào tôi cũng nhận được ảnh chụp xe khách trá hình. Kiểm tra thì danh sách khách, điểm đi điểm đến để trống không” - ông này nói.

Tại Thanh Hóa, gần đây rộ lên hàng loạt xe dưới 10 chỗ chạy chuyên tuyến Hà Nội - Thanh Hóa. Xe này hoạt động trá hình, không xin phép, gây ùn ứ giao thông, nhà nước có nguy cơ thất thu thuế..., nhưng lại được rất nhiều người dân sử dụng. Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Bộ GTVT cũng chịu áp lực lớn đối với xe hợp đồng trá hình và lần sửa đổi nghị định này sẽ xử lý triệt để. Thứ trưởng Thọ cho biết, Bộ GTVT sẽ sửa theo hướng nâng cao các điều kiện cấp phép kinh doanh đối với loại xe hợp đồng; những xe được phép hoạt động chỉ được đón tại một số điểm được quy hoạch, không được đón trên đường.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ cũng cho rằng, vấn đề xe trá hình nhức nhối nhiều năm nay và lãnh đạo Tổng cục đặt quyết tâm quản lý bằng được xe hợp đồng trong năm 2016.

Cước vận tải Việt Nam cao hơn ở Anh

Tại hội nghị, vấn đề cước vận tải chây ì khi giá xăng dầu giảm được tiếp tục đưa ra bàn thảo. Các doanh nghiệp cho hay, sức ép lớn của dư luận đã giảm giá cước. Tuy nhiên, do giá nhiên liệu chiếm 20-25% chi phí sản xuất (trong khi đó, mỗi lần giá nhiên liệu tăng, nhiều doanh nghiệp lại lấy con số giá xăng chiếm đến 40% chi phí để tăng giá ngay), do đó, DN không giảm nhiều.

Tại đây, không ít doanh nghiệp thừa nhận giá cước còn cao. Ông Lưu Huy Hà, Giám đốc Cty Hoàng Hà cho hay, giá vé xe khách ở Việt Nam không thấp hơn chi phí sử dụng xe cá nhân là bao nên chưa hút được khách. Thậm chí, ông Vũ Đức Hoàng, Phó Giám đốc hãng xe Hoàng Long cho biết, giá vé xe khách Việt Nam cao hơn ở Anh quốc. Theo ông này, từ Luân Đôn đến Manchester hơn 200 km, nhưng giá vé của họ chỉ 100.000 đồng tiền Việt; trong khi cũng cự ly đó, từ Hà Nội đến Thanh Hoá, người Việt (dù thu nhập thấp hơn) hiện phải trả trung bình 150.000đồng/chuyến.

Ngoài việc kinh doanh với tư duy manh mún, các doanh nghiệp phản ánh đang tốn quá nhiều chi phí do chính các cơ chế quản lý. Tại hội nghị diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa ông Vũ Đức Hoàng và đại diện Sở GTVT Hải Phòng xung quanh việc buộc doanh nghiệp Hoàng Long đi đường vòng để lên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn nếu chạy chui thì bị CSGT xử phạt.

Ông Nguyễn Tiền Phương, Giám đốc hãng xe Tiền Phương (Lào Cai) cho hay, doanh nghiệp đang chở “gió” vì tỉnh quy hoạch bến xe ngoài thành phố. Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Cty Thái Đăng Long (hoạt động xe khách, xe taxi tại Hưng Yên) cho hay, trong khi ở Đài Loan, Singapore vẫn cho sử dụng những xe sản xuất lâu năm được bảo dưỡng tốt chạy taxi hoặc chạy xe buýt nội đô, còn Việt Nam lại quy định thời hạn taxi chỉ được dùng 8 năm (đối với đô thị). “Sau 8 năm, xe vẫn còn tốt nếu bảo dưỡng tốt; bỏ đi khiến chi phí vận tải cao; không phù hợp với nước còn khó khăn như Việt Nam. Và sau khi không dùng làm taxi, xe này lại được bán làm xe cá nhân, làm xe ô tô cá nhân tăng nhanh chóng” - ông Thái nói.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ sớm hoàn thành dự thảo nghị định kinh doanh vận tải mới, sau đó lấy ý kiến các doanh nghiệp trước khi trình Chính phủ. Ông Thọ chỉ đạo: “Trong lĩnh vực được xã hội hoá cao như vận tải, cứ liên tục che chắn thì không được; quản lý chắp vá quá nhiều sẽ nảy sinh nhiều vấn đề”.

Trước việc hành khách đi tuyến cố định chuộng xe hợp đồng trá hình (do điểm đón gần nơi ở của khách), Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các địa phương khẩn trương lập các điểm dừng đón trả khách trong thành phố cho xe tuyến cố định gần các điểm tập trung đông dân cư. Ông Thọ cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuyến cố định phát triển xe trung chuyển để đưa đón khách về bến, điểm dừng đón khách.