Không nóng sao được khi tại nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo: “Có tới 72% ngân sách dành cho chi thường xuyên, còn lại chưa đến 30% phải vừa dành đầu tư phát triển, vừa trả nợ, vừa làm những việc khác. Đấy là một cái ngân sách có cơ cấu rất xấu. Từ đó phải vay, phải tăng bội chi, phải phát hành trái phiếu, rồi phải đảo nợ...”.
Hôm qua (10/10), tại cuộc họp do Bộ GTVT tổ chức, lý lẽ ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (chủ đầu tư) đưa ra là, Nhà nước nên đứng ra vay, sau đó Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam vay lại, khai thác công trình và tự hoàn trả.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, theo báo cáo đầu tư dự án của Bộ GTVT ước tính cảng hàng không quốc tế Long Thành có suất sinh lợi kinh tế - xã hội bình quân 22,1%/năm. Tuy nhiên, chỉ xét riêng về mặt tài chính, dự án sân bay Long Thành hoàn toàn không khả thi. “Nếu sân bay Long Thành kinh doanh hiệu quả ở mức lợi nhuận 3 USD/hành khách thì 25 triệu hành khách cũng chỉ tạo ra 75 triệu USD, không đủ để trả cho tiền lãi vay ở lãi suất 1% trên tổng đầu tư 8 tỷ USD. Thậm chí, sử dụng các mức phí khác như của Tân Sơn Nhất hiện nay, suất sinh lợi tài chính của dự án cũng chỉ đạt 5-6%/năm”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, theo thông tin, dự toán có mức đầu tư 164.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Thực ra, đây cũng chỉ mới là ước tính. “Thời gian qua, nhiều dự án giao thông đã phát sinh chi phí rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu. Do đó, quá trình triển khai dự án Long Thành, chắc chắn sẽ còn phát sinh thêm nhiều chi phí”, ông Doanh nói.
Không chỉ các chuyên gia kinh tế lo lắng về tính khả thi của dự án, mà tại nghị trường, khi nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc đã đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng vốn đầu tư của toàn bộ 3 giai đoạn dự án sân bay Long Thành để Quốc hội xem xét, quyết định. Bởi, theo ông Thành, ngoài việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, cũng cần đầu tư một lượng vốn rất lớn cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối. Như vậy, sẽ phải sử dụng một lượng lớn vốn ngân sách và vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách khó khăn. “Vì thế, cần cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Phúc nói.
Nhìn xung quanh, Hong Kong, Singapore, Thái Lan... đều đã có sân bay lớn và là điểm trung chuyển của các hãng hàng không quốc tế. Chúng ta đã chậm xa so với họ. Trong bối cảnh sức ép trả nợ đang gia tăng, khả năng vay vốn gặp khó, việc vay vốn để xây dựng sân bay Long Thành chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực cho nền kinh tế. Liệu sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ là sức bật cho ngành hàng không và nền kinh tế hay sẽ thêm gánh nặng nợ công?