Lộ đường dây tuyển “chui” lao động sang Đức

Mặc dù chỉ duy nhất Cục Quản lý lao động ngoài nước mới được đưa điều dưỡng sang Đức, nhưng Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An vẫn tuyển dụng, làm hồ sơ với lời cam đoan sẽ đưa sang Đức làm việc trong vòng 2 tháng.
Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

Chị H.T.D (Hưng Nguyên) cho biết, vừa rồi, thông qua một người quen chị được giới thiệu về chương trình xuất khẩu lao động sang CHLB Đức của Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An, ngành điều dưỡng. Vừa ra trường, chưa tìm được việc làm nên chị D. đăng kí tham gia.

Khi đến làm việc tại Trung tâm, chị D. cũng các lao động khác đã nhiều lần hỏi nhân viên tư vấn đây có phải là chương trình của Bộ LĐ-TB-XH hay không thì được nhân viên tư vấn trả lời là đúng. Được khẳng định nhiều lần như thế nên chị D. cũng 6 lao động đã đăng kí tham gia.

Sau khi đăng kí, cuối tháng 9/2014, 7 lao động này được đi học tiếng Đức ngay tại Trung tâm với học phí 2 triệu đồng/tháng cùng lời hứa chắc nịch, cuối tháng 11, đầu tháng 12 sẽ được sang Đức. “Chi phí xuất cảnh là 9.000 EUR. Học được vài ngày thì chúng em được thông báo đóng tiền đặt cọc 3.000 EUR cộng với 5 triệu đồng tiền giữ hồ sơ. Trung tâm cũng yêu cầu các lao động gấp rút làm hồ sơ, nộp bảng điểm gốc, bằng tốt nghiệp chuyên ngành bản gốc, hộ chiếu. Thời gian hoàn tất hồ sơ chỉ trong vòng 1 ngày nên chúng em phải làm nhanh, kể cả dịch thuật hồ sơ lý lịch, hộ chiếu là gần 2 triệu đồng”, D. cho biết.

Các lao động cho biết thêm, cán bộ của Trung tâm nói đi học tiếng là chỉ để cho biết chứ không phải thi cử gì. Trong suốt quá trình học tiếng, không thấy Trung tâm đả động gì đến việc đi Đức, các lao động hỏi thì chỉ nhận được những câu trả lời chung chung “sắp rồi”, “cuối năm đi”.

Vào trung tuần tháng 11, các lao động nhận được thông báo qua điện thoại (vào ban đêm) là sáng hôm sau ra Thái Bình để dự hội thảo liên quan đến việc xuất khẩu lao động sang Đức. Ngoài lao động Nghệ An còn có lao động Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tại đây, các lao động được cho biết, đợt tuyển dụng trước thì các lao động không phải thi tiếng nhưng lần này phải thi. Lao động nào đạt trình độ tiếng Đức B2 mới được phía bạn tiếp nhận. Chương trình học tiếng Đức sẽ do giáo viên bản địa dạy trong vòng 9 tháng, các lao động phải học tập trung tại Thái Bình.

Số lao động Nghệ An bắt đầu hoang mang. Hỏi một cán bộ của Trung tâm đi cùng thì được giải thích là vấn đề này không thuộc chương trình do Trung tâm đang thực hiện. Cho rằng đang bị Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An lừa, các lao động lại đến Trung tâm yêu cầu trả lời: Đây có phải là chương trình của Bộ LĐ-TB-XH hay không?.

“Chúng em được ông Dương – cán bộ Trung tâm giải thích vòng vo rồi lại bảo phải tích cực, quyết tâm để sớm đi. Không tích cực sao được khi bố mẹ chúng em phải cầm cố tài sản để vay mượn tiền đóng đặt cọc cho trung tâm?”, D. bức xúc.

Trước đòi hỏi của các lao động, sáng 20/11, Trung tâm đã có buổi làm việc với các lao động và người nhà của họ. Tại buổi làm việc, ông Dương – cán bộ Trung tâm tiếp tục giải thích vòng vo và yêu cầu các lao động tiếp tục “quyết tâm” để có thể sớm sang Đức. Ông cũng cam đoan Trung tâm sẽ có trách nhiệm với lao động.

Tuy nhiên, trước câu hỏi: Đây là chương trình của Bộ LĐ-TB&XH hay là chương trình liên kết, ông Dương luôn né tránh trả lời. Ông này cho rằng, đây là chương trình song song với chương trình của Bộ (?). Trước sức ép của người lao động và người nhà của họ, cuối cùng, ông Dương cũng thừa nhận đây là chương trình liên kết giữa Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An với một đơn vị tại Thái Bình. Mặc dù vậy ông Dương vẫn khẳng định hiện hồ sơ của các lao động đang ở đại sứ quán (?).

Theo thông báo của Cục quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thì chỉ có Cục mới được phép và là đơn vị trực tiếp có chức năng đưa lao động sang Đức. Sau khi kiểm chứng lại các thông tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước, 7 lao động Nghệ An đã rút tiền đặt cọc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.

Phiếu thu cấp cho người lao động ghi rõ "tiền cọc đi Đức".

“Từ đó đến nay đã hơn 10 ngày nhưng phía Trung tâm vẫn không có bất kỳ thông tin gì với các lao động. Hiện tại, họ vẫn chưa hoàn trả hồ sơ (bao gồm cả một số giấy tờ gốc) cho lao động”, một lao động cho biết.

Chúng tôi đã đến trực tiếp để đăng kí làm việc với giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An để tìm hiểu rõ vấn đề. Cửa phòng giám đốc vẫn mở, đèn vẫn sáng tuy nhiên một cán bộ Trung tâm cho biết giám đốc đang đi công tác. Gọi vào điện thoại di động của ông Hồ Văn Hùng – giám đốc Trung tâm thì không thấy trả lời. Sau nhiều nỗ lực liên lạc, chiều ngày 3/12, ông Hùng nhắn tin là đang ở Sài Gòn, lúc nào về sẽ làm việc với PV.

Mặc dù không có chức năng tuyển dụng lao động đi Đức nhưng Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An vẫn thu cả  giấy tờ gốc của người lao động. 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết: Trung tâm dịch vụ việc làm chỉ có nhiệm vụ tư vấn chứ không có chức năng tuyển dụng lao động sang Đức. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu nên phải tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình và không cần phải báo cáo với Sở về chương trình liên kết với đơn vị nào đó.

   

Gọi điện vào đường dây tư vấn của Cục quản lý lao động ngoài nước, chúng tôi được một cán bộ của Cục khẳng định: Cục quản lý lao động ngoài nước không cấp phép cho bất kỳ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đưa lao động sang Đức. Đối với lao động ngành điều dưỡng sang thị trường Đức đều do Cục trực tiếp nhận hồ sơ và tuyển dụng.

Theo Hoàng Lam


Theo Dân Trí