Làng nhiễm chì & trách nhiệm thu hồi

TP - Khắp các ngõ ngách ở Hà Nội, người dân không xa lạ gì với những tiếng rao lanh lảnh từ loa pin “Ai tivi, tủ lạnh, máy tính, bàn là, nồi cơm điện... hỏng bán không”. Đội quân thu mua tất tật các loại đồ điện tử gia dụng cũ hỏng len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm chính là nguồn cung cấp đầu vào cho các làng nghề tái chế. Nhiều làng quê giàu lên trông thấy nhờ món nghề đồng nát. Tuy nhiên mặt trái của loại nghề này cũng rất đáng báo động.

Hôm qua (28/5), Bộ Y tế thông tin có tới 65% trẻ em làng tái chế ắc quy Đông Mai (Hưng Yên) bị nhiễm độc chì. Kết quả xét nghiệm cho biết, trong tổng số 317 trẻ ở thôn Đông Mai thì có tới 207 cháu bị nhiễm độc chì. Đây là một làng nghề chuyên thu mua ắc quy cũ để tháo dỡ lấy chì từ những năm 70 của thế kỷ trước. Toàn bộ công đoạn tái chế chì ở đây rất thô sơ và thủ công, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và môi trường xung quanh. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong vô số ví dụ về mặt trái các làng nghề tái chế đồ dân dụng - từ ắc quy, săm lốp đến các loại đồ điện tử - trên khắp các làng quê Việt Nam.

Ước tính, mỗi năm người dân Việt Nam thải ra môi trường tới 90 ngàn tấn rác thải điện tử, chưa kể các loại rác khác nhập về. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), rác thải điện tử có chứa hơn 1.000 hợp chất khác nhau, trong đó có chứa nhiều kim loại nặng, kim loại quý, các chất độc hại khác gây ô nhiễm môi trường, gây ra các bệnh ung thư, hô hấp, tim mạch và thần kinh....

Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Quyết định quy định về việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ là hết sức cần thiết. Danh mục sản phẩm thải bỏ bao gồm đồ điện tử, máy tính, pin, ắc quy, xe máy, ô tô… Theo đó, từ nay việc thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ trên trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định này. Trách nhiệm thu hồi và xử lý của nhà sản xuất, nghĩa vụ và quyền lợi khi giao nộp sản phẩm thải bỏ của người tiêu dùng, trách nhiệm quản lý nhà nước của ban ngành và địa phương đều đã được quy định cụ thể.

Tại các nước phát triển với hệ thống luật pháp đầy đủ và nghiêm minh, việc vứt một đôi pin bé bằng ngón tay cũng cần đúng quy cách, đúng nơi quy định, huống hồ cả cục ắc quy to tướng. Điều này từ lâu đã thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường của người dân nước họ. Ở nước ta, vừa có quy định về việc này đã có ý kiến nghi ngại về tính khả thi, bởi có khi nhà sản xuất chưa kịp triển khai điểm thu hồi thì sản phẩm cũ hỏng đã vào tay những người hành nghề đồng nát, ve chai từ lâu.

Tuy nhiên, để không tiếp tục xuất hiện thêm nhiều làng nhiễm chì trong tương lai, quy định của pháp luật cùng với ý thức của người dân là điều rất cần phải có, càng sớm càng tốt.