Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Trần Hồng Hà:

Lắng nghe dân, hành động quyết liệt

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, tân Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, ưu tiên trước mắt của ông là tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách của người dân liên quan tới ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn…
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Ông Trần Hồng Hà cho biết: Nhiều khó khăn, thách thức đặt ra như nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu gia tăng, mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, thói quen tiêu dùng lãng phí, thiếu thân thiện với môi trường. Chất lượng môi trường sống chậm được cải thiện. Nguy cơ mất cân bằng sinh thái, không đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước có thể xảy ra. Những khó khăn, thách thức đó, đặt ra trọng trách rất lớn đối với tư lệnh ngành TNMT.

Bộ trưởng có thể chia sẻ những mục tiêu ưu tiên của Bộ TNMT trong nhiệm kỳ này?

Trước mắt, Bộ TNMT tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, bức xúc, không thể trì hoãn, đang tác động lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân gồm tình trạng suy thoái và ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng báo động; biến đổi khí hậu đang có những tác động to lớn, nghiêm trọng như hạn hán, bão, lũ, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt ở nhiều vùng trên cả nước; tài nguyên thiên nhiên đang có xu hướng cạn kiệt dần.

Về lâu dài, Bộ TNMT sẽ nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, công cụ quản lý để nâng cao giá trị tiềm năng và tính hữu ích của tài nguyên, phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các giá trị thu được từ tài nguyên phải được sự chia sẻ công bằng đối với người dân, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, song cũng đồng thời khắc phục được các mặt trái của cơ chế thị trường. Đồng thời, hướng tới việc chuyển đổi mô hình phát triển từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, hy sinh môi trường sang mô hình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường, khí hậu.

Người dân rất mong chờ vào những bộ trưởng hành động, dám nói, dám làm. Ông muốn nói gì với cử tri và người dân cả nước về điều này?

Là một người được đào tạo, bồi dưỡng và đi lên từ thực tiễn ngành TN&MT, tôi luôn thấu hiểu những mong đợi, kỳ vọng của người dân đối với ngành. Từ đó, tôi xác định phương châm hành động của mình là gần dân, lắng nghe dân, hành động quyết liệt vì dân và lấy kết quả đạt được làm thước đo đánh giá công việc. Tôi sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

“Tôi xác định phương châm hành động của mình là gần dân, lắng nghe dân, hành động quyết liệt vì dân và lấy kết quả đạt được làm thước đo đánh giá công việc”. 

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Một là, đẩy mạnh quan hệ tương tác, phối hợp hai chiều giữa Bộ trưởng với người dân; qua đó kịp thời lắng nghe tiếng nói của nhân dân, thấu hiểu những bức xúc của nhân dân, từ đó cùng người dân giải quyết hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đời sống, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời, từ thực tiễn gần dân, lắng nghe dân, Bộ mới có thể kiểm nghiệm, đánh giá từ đó sẽ hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách. Việc cần làm ngay, đó là nhanh chóng phát triển và đưa vào hoạt động hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường sự tương tác giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và các cơ quan của Bộ với người dân.

Hai là, quyết liệt hơn nữa trong việc rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, đảm bảo sự thông suốt trong điều hành, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương; đổi mới cơ chế đãi ngộ nhằm thu hút được nhân tài. Đẩy mạnh việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp trong thực thi nhiệm vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ, ngành TN&MT nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Ba là, từ thực tế giải quyết các vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn, cần tăng cường hơn nữa việc tham mưu cho Đảng, Chính phủ đề ra những chủ trương, ban hành cơ chế chính sách phù hợp với xu thế chung toàn cầu và điều kiện thực tiễn ở Việt Nam; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để các thành phần kinh tế tiếp cận với các nguồn lực tài nguyên trên cơ sở cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, mặt khác góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội thông qua việc phân phối lại lợi ích. Đồng thời, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng như sự giám sát của các ngành các cấp và của nhân dân, qua đó khắc phục kịp thời những bất cập về chính sách để không còn điểm nghẽn, rào cản.

Bốn là, chú trọng vận dụng nền tảng kiến thức và khoa học hiện đại của thế giới kết hợp với tri thức bản địa trong giải quyết các công việc của ngành.

Cảm ơn Bộ trưởng!