Kiến nghị xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế

TPO - Theo TTCP, các cá nhân, tổ chức có sai phạm, thiếu sót trong sử dụng quỹ bảo hiểm y tế cần bị kiểm điểm, xử lý nghiêm, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2014-2018.

Kiến nghị kiểm điểm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân sai phạm

Cụ thể, thông báo kết luận thanh tra công bố chiều 27/1 thể hiện, Bảo hiểm xã hội khi trích lập quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ Bảo hiểm y tế năm 2016 - 2017 còn “thiếu” hơn 172 tỷ đồng tiền quỹ dự phòng, đến năm 2020 mới khắc phục, hoàn trả.

Bảo hiểm xã hội còn “nợ” hơn 518 tỷ đồng từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh năm 2015 được dùng mua sắm trang thiết bị, phương tiện vận chuyển người bệnh nên cần “khẩn trương hoàn thành giải ngân” số tiền này.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại không có chất lượng, hoạt động không tốt theo tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong các năm 2016 – 2018. Cơ quan này còn gửi tiền tại Ngân hàng Quân đội dù không nằm trong phương án đầu tư quỹ, vi phạm Nghị định 30/2016.

Việc sử dụng thuốc phục vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế không đúng chỉ định tại hồ sơ đăng ký. Như với 5 loại thuốc chữa ung thư gồm Xeloda, Xalvobin, Eloxatin, Oxaliplatin, Sudoxplatin, dù không đúng chỉ định nhưng Bảo hiểm xã hội TP HCM chấp nhận thanh toán cho Bệnh viện Thống nhất, cần thu hồi số tiền này.

Cơ quan thanh tra cũng xác định, Bảo hiểm xã hội còn chưa thanh toán cho Bệnh viện Chợ Rẫy 288 tỷ đồng, Bệnh viện Thống nhất hơn 74 tỷ đồng tiền thuốc, vật tư y tế. Thanh tra đề nghị Bảo hiểm xã hội TP HCM rà soát, đảm bảo thanh toán cho 2 bệnh viện.

Theo Thông tư 15/2018 của Bộ Y tế, người đi xét nghiệm HIV và giang mai được Bảo hiểm y tế chi trả nhưng có 3 bệnh viện vẫn thu tiền của bệnh nhân, gồm Chợ Rẫy hơn 7,5 tỷ đồng; Trung ương Huế hơn 2,3 tỷ đồng và Viện K gần 6 tỷ đồng.

TTCP đề nghị, Bảo hiểm xã hội cần xem xét việc giao dự toán chi Bảo hiểm y tế sao cho năm sau không thấp hơn số tiền thanh toán năm trước; phối hợp Ngân hàng Nhà nước gửi tiền vào các ngân hàng có chất lượng hoạt động tốt.

Theo TTCP, các cá nhân, tổ chức có sai phạm, thiếu sót trong sử dụng quỹ bảo hiểm cần bị kiểm điểm, xử lý nghiêm, trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2014-2018.

Cũng theo TTCP, Bộ Y tế chưa tham mưu xây dựng được Luật quy định đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế và vật tư y tế, các quy định nhằm quản lý nói chung và trong mua sắm nói riêng về trang thiết bị y tế, vật tư y tế chưa được xây dựng đầy đủ. Trong thời gian dài, Bộ Y tế không công khai kết quả trúng thầu trên trang thông tin điện tử theo quy định của Chính phủ.

Nhiều sai phạm xảy ra ở Bộ Y tế.

Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn (đã bị khởi tố vì liên quan đến vụ Công ty Việt Á “thổi giá” kit test COVID-19) vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm tại Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005.

Dấu hiệu hình sự trong đấu thầu thuốc

Theo TTCP, trong công tác quản lý nhà nước về đấu thầu thuốc, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bạch Mai mời thầu mua thuốc thí điểm cho nhà thuốc bệnh viện năm 2018, 2019 đối với 2/3 gói thầu theo tên thương mại là trái quy định. Tuy nhiên, thí điểm nhằm đáp ứng tình trạng khan hiếm thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện, chỉ thực hiện đối với 2 gói thầu cụ thể, sau đó đã chấm dứt, không còn thực hiện.

TTCP cũng cho biết, việc xây dựng số lượng thuốc đấu thầu tập trung năm 2017 không sát với nhu cầu sử dụng thực tế của cơ sở khám chữa bệnh, chưa thực hiện đúng quy định.

Đáng chú ý, TTCP đã phát hiện việc xét thầu, lựa chọn nhà thầu còn nhiều sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự đối với nhà thầu trúng thuốc Xalvobin 500mg film-coated tablet là Liên danh Công ty UNI-Văn Lang, cần tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ theo quy định pháp luật.