Khó như… đàng hoàng

TP - Một trong những người mải mê và có lượt theo dõi đông đảo nhất trên facebook trong giới văn chương chính là tác giả “Hương thầm”. Bà cũng là người đặc biệt hay soi việc đăng thơ quên ghi trích dẫn đầy đủ của bạn bè trên “phây”. Hễ ai đó đăng đoạn thơ nổi tiếng của bà hoặc của người khác mà không ghi rõ tác giả, thế nào bà cũng vào nhắc. 

Phan Thị Thanh Nhàn muốn mọi người tôn trọng nhà văn, nhà thơ, những người sinh ra những đứa con tinh thần cho độc giả hưởng thụ, ngay cả trong những cuộc chơi, như chơi “phây”. Nhưng đòi hỏi của nhà thơ dường như quá cao, bởi thói quen của người thưởng thức ở ta vốn ít cần biết “đứa con” do ai sinh ra. Thế mới có chuyện tên bài hát, tên phim thì thuộc, tên đạo diễn, tên nhạc sỹ thì quên.

Mới đây, NXB Giáo dục bị khiếu nại, vì đăng tác phẩm của tác giả mà không chịu xin phép. Đến khi bị phát hiện thì tác giả, nhà văn Hồ Huy Sơn có nhận được thư xin lỗi từ các công ty con của NXB Giáo dục cùng với nhuận bút sẽ trả cho tác giả là 600 ngàn đồng/bài. Việc làm này đương nhiên không thể xoa dịu  những người cầm bút có tự trọng. Nhà văn Hồ Huy Sơn sau đó đã đề nghị gỡ bài của anh trên những cuốn sách của NXB Giáo dục trong những lần tái bản sau, dù rằng được xuất hiện trên sách giáo khoa phục vụ sự nghiệp trồng người rất  “vinh dự, tự hào”. Câu chuyện của nhà văn Hồ Huy Sơn không phải hy hữu. Có những tên tuổi như nhà văn Nguyễn Quang Sáng với “Chiếc lược ngà” còn bị NXB xài chùa nhiều năm không đoái hoài đến việc trả nhuận bút cho cha đẻ của tác phẩm. Trao đổi với báo chí, nhà văn Hồ Huy Sơn nói: “Làm sách trước hết là làm văn hóa, cho nên hành xử với tác giả cũng phải có văn hóa”.

Nhà văn bị ứng xử kém đàng hoàng. Độc giả thì sao?  Còn nhớ câu chuyện lùm xùm trước đây với cuốn “Mật mã Da Vinci” của Dan Brow, do NXB Văn hóa Thông tin nắm giữ bản quyền tiếng Việt. Cuốn sách này bị dư luận phản ứng về chất lượng bản dịch, sau đó ông giám đốc NXB Văn hóa Thông tin  tuyên bố sẽ mời hội đồng thẩm định chất lượng bản dịch, nếu hội đồng thấy quá tệ, cần phải thay đổi thì sẽ đổi sách cho những khách hàng đã lỡ mua. Độc giả đương nhiên cảm động vì hiếm khi ở xứ ta “khách hàng là thượng đế” theo đúng nghĩa, nhất là khách hàng của những món “hàng” có giá trị tinh thần. Y như rằng “thượng đế” mừng hụt. Một thời gian ngắn sau, vị giám đốc chịu trách nhiệm với cuốn “Mật mã Da Vinci” lại lên tiếng: Cuốn sách tuy có nhiều ý kiến phê phán và góp ý nhưng cũng có ý kiến nói rằng nó chưa đáng để phải vứt bỏ. “Chính vì vậy, chúng tôi đã cố gắng hết sức để hiệu đính cuốn sách và hi vọng nhận được sự cảm thông của người đọc, sẽ chấp nhận bản dịch mới và không có chuyện đổi sách”.

Cứ như thế, sao còn kêu “văn hóa đọc” xuống cấp, nhiều nhà xuất bản có nguy cơ xóa sổ?