Khám bệnh 4.0

TP - Ba năm trước, tôi bất ngờ khi đến khám tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, bởi lúc vào khám, hồ sơ bệnh án của mình đều được lưu vào một chiếc thẻ. Bác sĩ bệnh viện này còn dặn tôi “lần sau tái khám chỉ việc mang chiếc thẻ này đi mà thôi”.

Nhiều năm nay, các bệnh viện ở nhiều nơi đã bắt tay vào xây dựng bệnh án điện tử. Nhiều bệnh viện đã đầu tư để thực hiện “bệnh viện không tiền mặt, không giấy và không chờ đợi hoặc xếp hàng”. Một giám đốc bệnh viện tuyến quận tại TPHCM chia sẻ với tôi rằng, bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh như: kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc và lịch tái khám… Việc làm này, theo vị giám đốc “tất cả vì người bệnh”. Bởi, có sổ điện tử thì người bệnh sẽ không lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải căng mắt đọc chữ viết nguệch ngoạc của bác sĩ ở đơn thuốc hay khi đi khám phải kê khai lại thông tin từ đầu.

Cái lợi ích nữa mà nhiều bệnh viện đang cố gắng để làm bệnh án điện tử, triển khai y tế thông minh là người bệnh sẽ dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Từ đó, giúp người bệnh tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục của mình, lưu trữ tiền sử bệnh của mình và cả gia đình hay tiền sử dị ứng thuốc… để chủ động phòng bệnh.

Tuần trước khi đưa bố tôi vào khám tại BV Đại học Y Dược TPHCM, tôi ngạc nhiên khi được nhân viên ở đây thông báo “nơi đây sử dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt từ năm 2019”. Quá tiện lợi, bởi người bệnh không cần mang theo tiền bên mình, tránh bị mất cắp trong khi bệnh viện giảm thiểu nhân lực, đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn quy trình thanh toán. Còn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hai năm nay, nhiều bệnh nhân đã không còn mang lỉnh kỉnh các loại giấy tờ khám chữa bệnh hay tiền bạc bên người khi nơi đây, đã áp dụng thẻ khám bệnh “2 trong 1” là vừa khám vừa thanh toán, giảm phiền hà cho người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói đây là thành công của bệnh viện trong chuyển đổi số khi thẻ tích hợp cùng lúc hai chức năng vừa là thẻ khám bệnh, vừa là thẻ thanh toán, áp dụng cho tất cả người bệnh ngoại trú. “Không chỉ xác định đúng người bệnh, thẻ này giúp người bệnh dễ dàng truy xuất các thông tin cá nhân, thông tin thẻ BHYT, thông tin khám bệnh của những lần trước đó và cả khi tái khám”- bác sĩ Thức chia sẻ và theo ông quan trọng hơn là giảm 15% nhân viên phục vụ.

Lợi ích là vậy, lấy người bệnh làm trung tâm là vậy nhưng thực tế không phải bệnh viện nào cũng mặn mà với…bệnh án điện tử. Tôi vẫn thấy, nhiều bệnh viện tuyến cuối nổi tiếng nhưng hiện danh sách bệnh nhân vẫn ghi tay ra giấy, nhân viên vẫn ngồi bàn viết tay từng hồ sơ bệnh án…trong khi bệnh nhân vẫn mệt mỏi xếp hàng chờ đợi, thậm chí bác sỹ còn "chèn" bệnh nhân quen vào để khám trước, mặc người bệnh đến trước phải chờ đợi.

Người bệnh nói rằng, đi khám bệnh đã quá mệt mỏi, chờ đợi để được khám càng cực hình hơn. Nhưng không hiểu sao, ngành y tế đã nhiều lần hô hào triển khai bệnh án điện tử, coi đây là bước đột phá để chuyển đổi số hoá, nhiều bệnh viện vẫn thích…lạc hậu. Như thế việc lấy bệnh nhân làm trung tâm sẽ còn xa vời?