Hướng dẫn viên du lịch bỏ nghề, chuyển nghề trong mùa dịch

TPO - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều hướng dẫn viên du lịch mất thu nhập trong thời gian dài và buộc phải thích ứng, linh hoạt chuyển đổi sang các công việc khác như: bán quần áo, làm công việc tuyển dụng, về quê phát triển nội dung số…

Không nghĩ sẽ quay lại nghề

Phải tạm “bỏ nghề” trong hơn 1 năm qua, Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1994, sống ở Hà Đông) hiện đã chuyển sang làm nhân viên văn phòng và dự định sẽ không quay trở lại làm hướng dẫn viên nữa.

Trước đây, khi làm hướng dẫn viên quốc tế, mỗi tháng Nga đi dẫn 10 tour và có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Năm 2020, cô bị thất nghiệp do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Thời điểm đó, Nga không được nhận chính sách hỗ trợ từ công ty vì công ty cũng phải đóng cửa. Do đó, cô gặp khó khăn về tài chính và phải chạy đi tìm việc trong 3 tháng. Ban đầu, cô làm gia sư online dạy tiếng Trung nhưng mức thu nhập chỉ đủ trả tiền nhà.

Sau đó, Nga được người quen giới thiệu tới công ty chuyên về xuất nhập khẩu để xin việc. Ban đầu chưa có kiến thức về luật xuất nhập khẩu hàng quốc tế, cô chỉ dám xin ứng tuyển vị trí bình thường trong văn phòng với yêu cầu khối lượng công việc đơn giản tương đương mức lương 6 triệu đồng/tháng.

“Ban ngày đi làm, tối về tôi dành 1 tiếng để học ngoại ngữ và kiến thức về xuất nhập khẩu. Ban đầu, tôi đang quen với mức sống 30 triệu/tháng nhưng giờ đùng một cái xuống chỉ còn dưới 10 triệu. Ngày xưa, tôi chi trả 7 triệu cho tiền nhà, sinh hoạt, ăn uống nhưng nay phải đắn đo, tính toán trong khoảng 3 triệu đổ xuống.

Tuy công việc văn phòng có chút nhàm chán và lặp đi lặp lại nhưng có vẻ ổn định hơn so với nghề hướng dẫn viên. Sau này, nếu du lịch mở cửa trở lại, tôi chưa chắc đã quay lại với nghề, mặc dù lương cao hơn gấp 3 lần công việc hiện tại của tôi”, Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Cú “sốc” thu nhập

Bạn Nguyễn Ngọc Thắng (sinh năm 1994, sống ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã bắt đầu làm hướng dẫn viên du lịch tự do từ năm 2017 với mức thu nhập trung bình hàng tháng trên 10 triệu đồng.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, hoạt động du lịch “đóng băng”, Thắng buộc phải tạm ngừng công việc đi tour từ tháng 5/2021. Sau đó, nam hướng dẫn viên quyết định về quê 3 tháng phụ giúp công việc làm nông cho gia đình. Không có thu nhập nên anh cũng phải cắt giảm triệt để hết nhu cầu cá nhân.

Ban đầu Thắng xoay sở bằng cách sử dụng tiền tiết kiệm trước đó, nhưng dần cũng “cạn túi”. Chàng trai 9x lúc ấy bị stress, áp lực về tài chính bởi trước đó chưa phải nghĩ ngợi hay tằn tiện quá mức, lương hàng tháng cũng thuộc mức ổn định.

Trong suốt 3 tháng ấy, Thắng tìm việc ròng rã ở quê nhưng không có công việc nào phù hợp. Đến tháng 8/2021, Thắng tình cờ đọc được tin tuyển dụng do người thân của anh đăng trên Facebook. Đúng lúc anh đang có nhu cầu tìm việc nên đã ứng tuyển vào vị trí cán bộ tuyển dụng.

Chia sẻ với Tiền Phong, Thắng nói: “Tôi chuyển sang môi trường làm việc mới tinh khiến bản thân phải bắt đầu học kiến thức về xuất khẩu lao động từ con số 0. Vốn được đi đây đi đó, nay ngồi một chỗ và làm công việc lặp đi lặp lại cũng thấy bí bách. Thu nhập nghề này cũng không cố định, từ 3 đến 5 triệu đồng tùy theo KPI nên chỉ giúp tôi có tiền duy trì phí sinh hoạt cơ bản. Bản thân tôi theo nghề “nói” để có tiền nên dù hiện tại có làm công việc gì thì cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bám trụ qua mùa dịch”.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Thắng bày tỏ những khó khăn: “Hiện nay, chính sách hỗ trợ với ngành du lịch đã có 2 đợt. Nhưng thủ tục tương đối khó với trường hợp như tôi. Xuất phát là hướng dẫn viên tự do, không cố định ở một công ty nào nên không có hợp đồng lao động. Trong khi, để được nhận hỗ trợ phải có hợp đồng lao động. Vì vậy, tôi hy vọng, chính sách hỗ trợ có thể giảm thiểu thủ tục để những bạn hướng dẫn viên tự do dễ dàng tiếp cận hơn và nhận được gói hỗ trợ."

Tận dụng thế mạnh nghề "nói" để phát triển nội dung số

Vốn đã làm hướng dẫn viên du lịch được 4 năm ở Đà Lạt nhưng nay Khắc Quang (sinh năm 1997, quê ở Đắk Nông) phải trở về quê, tạm ngưng công việc để đảm bảo phòng chống dịch. Không ngừng sáng tạo, nam thanh niên 9x phát triển nội dung số trên nền tảng mạng xã hội TikTok để vừa phục vụ nhu cầu giải trí, vừa kiếm thêm thu nhập.

Đầu tháng 5, Quang quyết định về quê vừa phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, nuôi tằm, vừa phát triển nội dung số về đồng quê yên bình, mộc mạc. Sau một thời gian làm clip chia sẻ lên mạng xã hội TikTok, thanh niên 9x nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem với gần 14 triệu lượt yêu thích, hơn 500.000 người theo dõi.

Quang kể: "Ban đầu về nhà mình vẫn chưa quen với nhịp sống và các công việc đồng áng, làm việc tay chân từ sáng đến chiều. Ngày ngày cứ từ 7h sáng tới 11h trưa rồi từ 14h chiều đến 17h tối, mình cùng ba mẹ ra các khu vườn (trồng dâu nuôi tằm; trồng bí đỏ; gừng; cây trái;...) của gia đình để làm việc.

Mình bắt đầu làm TikTok từ khi thấy được sự bùng nổ của nó vào tháng 8/2020, khi ấy mình làm kênh để review các địa điểm ăn uống du lịch ở Đà Lạt nhưng không được chú ý vì ban đầu làm còn bỡ ngỡ. Kênh TikTok của mình bắt đầu phát triển từ khi mình về nhà với những nội dung về đồng quê yên bình mộc mạc. Có lẽ, mọi người thích xem mình phần vì nét duyên, giọng nói là lạ và nội dung đồng quê còn ít người khai thác.

Với sự sáng tạo về nội dung, cách truyền tải thông điệp cho mỗi video nên kênh TikTok của mình đã có một mức thu nhập ổn định, khoảng trên 10 triệu đồng/tháng".