Học ngôn ngữ ký hiệu để biết cảm thông

TP - Ngôn ngữ ký hiệu của những người điếc Việt Nam đã được các nhân viên của Hội đồng Anh học một cách say sưa và hứng thú trong 1 tiếng rưỡi chiều 21/5 vừa qua. Có người còn nói vui: “Dễ hơn học tiếng Anh”. Trong đó, chuyên gia Neil Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh thuộc bài rất nhanh và đầy hào hứng.  
Chị Lê Thị Kim Cúc (trái) và Vũ Thị Hồng. Ảnh: Lê Lê

Giáo viên đứng lớp là chị Vũ Thị Hồng, 25 tuổi, bị điếc bẩm sinh. Gia đình Hồng có ba chị em gái, đều bị điếc bẩm sinh. Hiện Hồng đang là giáo viên tại trung tâm ngôn ngữ ký hiệu cho người điếc Hà Nội. Cùng hỗ trợ Hồng trong buổi học này có chị Lê Thị Kim Cúc, người phiên dịch từ ngôn ngữ ký hiệu ra tiếng Anh và ngược lại.

“Người điếc rất tự hào với ngôn ngữ của họ và họ muốn được chính thức công nhận và giảng dạy trong trường câm điếc.”

Lê Thị Kim Cúc

Đây là hoạt động nhân Tuần lễ đa dạng do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức theo sáng kiến của Hội đồng Anh khu vực Đông Á với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng, đa dạng và cơ hội cho tất cả mọi người. Trong tuần từ 15/5 đến 24/5, các hoạt động như danh ngôn trong ngày về bình đẳng, đa dạng và hòa nhập, phim ngắn nằm trong khuôn khổ dự án fiveFilms4freedom về nâng cao nhận thức về đồng tính, cuộc thi ảnh dành cho nhân viên Hội đồng Anh, bữa trưa tôn vinh sự đa dạng trong ẩm thực, lớp học ngôn ngữ ký hiệu, Pink Day - Trò chuyện về Ung thư vú (phối hợp cùng We care for her)…

Trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, các từ ngữ cơ bản về chào hỏi, gia đình và cảm xúc bằng ngôn ngữ ký hiệu đã được chị Hồng truyền tải cho mọi người một cách hết sức dễ hiểu và mọi người đều có thể nắm  bắt được những từ cơ bản nhất như chào hỏi, yêu, ghét… Tay và biểu cảm trên nét mặt được sử dụng nhiều nhất trong ngôn ngữ ký hiệu. Nhìn vào ngôn ngữ ký hiệu của chị Hồng, mọi người thuộc bài rất nhanh nhờ suy luận. Chẳng hạn: vuốt chòm râu dài có nghĩa là  “ông”,  vuốt chòm râu ngắn là “bố”. Khi chị Hồng dùng hai tay đưa từ bụng  lên trên rồi hướng ra ngoài với nét mặt giận dữ để diễn tả từ “tức giận”, mọi người ồ lên: “À, kiểu như tức lộn ruột”…

Một học viên của Hội đồng Anh cho biết, bài học rất thú vị vì nó giúp mình biết một ngôn ngữ và quan trọng hơn- giúp cho mình hiểu và cảm thông với người khuyết tật.

Mong ngôn ngữ ký hiệu được công nhận

Chia sẻ sau buổi học, chị Vũ Thị Hồng cho biết, hiện nay, vào các sáng Chủ nhật, chị có lớp học ngôn ngữ ký hiệu dành cho cha mẹ của trẻ em điếc, những người mong muốn học ngôn ngữ này để có thể giao tiếp với con em mình. Chị Hồng cho biết, ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ của người điếc nhưng rất tiếc là ngay tại trường câm điếc Xã Đàn (Hà Nội), trẻ em tại trường không được học ngôn ngữ này. Đa phần giáo viên là người bình thường dạy và không biết ngôn ngữ ký hiệu.Do đó, học sinh tại trường học rất vất vả, thường học hai năm một lớp mà chưa chắc đã lĩnh hội được hết kiến thức lớp 5 như các bạn bình thường. Ngay bản thân chị Hồng đã từng phải học 10 năm mới xong lớp 5.

Thời gian gần đây, trường mới có hai giáo viên người điếc dạy ngôn ngữ ký hiệu, nhưng họ chỉ là giáo viên phụ. Hồng hy vọng, khi những giáo viên này được lên dạy chính thức, các em sẽ lĩnh hội nhanh hơn. Điều này, chị Hồng đã rút ra được sau khi theo học dự án giáo dục đại học và trung học cho người điếc tại Biên Hòa. Với giáo viên là người điếc và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, chị Hồng đã có thể học ba năm là hoàn thành cấp ba như các bạn bình thường.

Bản thân là người điếc và sống trong cộng đồng người điếc, chị Hồng mong muốn ngôn ngữ ký hiệu của người điếc được công nhận và được sử dụng chính thức trong các trường câm điếc. Chị Hồng cũng cho biết thêm, đây là ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người điếc Việt Nam, còn ngôn ngữ ký hiệu của các nước trên thế giới thì mỗi nước một khác.

17 năm gắn bó với người điếc

Cách đây chưa lâu, bản tin thời sự buổi tối trên VTV1 được phát lại trên VTV2 lúc 22 giờ có một góc nhỏ hiện hình người phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu dành cho người điếc. Người phiên dịch cho buổi học tại Hội đồng Anh chính là người phiên dịch bản tin thời sự, chị Lê Thị Kim Cúc. Thế nhưng, công việc chính của chị là làm việc cho Tổ chức phát triển Mối quan tâm thế giới tại Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ.

Chị Cúc cho biết, năm 1998, khi đang làm việc tại Nhà Hữu nghị dành cho trẻ mồ côi ở phố Thái Thịnh, Hà Nội, chị được tham gia lớp học tiếng Anh dành cho người điếc của hai vợ chồng người Anh. Họ là những người bình thường, sinh con cái bình thường, nhưng đến đời cháu thì đều bị điếc bẩm sinh. Họ đã tổ chức miễn phí lớp học này dành cho những ai quan tâm đến ngôn  ngữ ký hiệu của người điếc.

Học xong khóa học đó với 8 buổi lên lớp, chị Cúc bắt đầu thấy quan tâm và hứng thú với ngôn ngữ ký hiệu. Từ đó, chị hay giao tiếp với cộng đồng người điếc, ăn uống, vui chơi cùng họ và học được rất nhiều ngôn ngữ ký hiệu của họ. Thậm chí, chị chơi với người điếc nhiều đến nỗi nhiều người lầm tưởng chị cũng là người điếc. Sau khi có việc gì cần kíp, chị mới dùng ngôn ngữ lời nói khiến người đối diện ngạc nhiên: “Ô, hóa ra chị không phải là người điếc à?”.

Chính vì chơi với người điếc nhiều, chị yêu quí họ và khi có ai nhờ dịch thì chị dịch hộ. Chị cho biết: “Hồi đó đi dịch chẳng bao giờ có kinh phí mà mình cũng chưa bao giờ nghĩ đến, chỉ là thích thì làm”.

Theo chị Cúc, ngôn ngữ ký hiệu là ký hiệu chung mà cộng đồng người điếc sử dụng nhiều và phát triển thành ngôn ngữ. Hiện tại, chưa có cuốn sách hay cuốn từ điển chuẩn nào về ngôn  ngữ ký hiệu, mà mới chỉ có một cuốn sách do Viện khoa học giáo dục thực hiện. Cuốn sách đó do một nhóm các tiến sỹ vào trường câm điếc quan sát và tập hợp lại. Chính vì thế, khi xem cuốn sách đó, nhiều người bảo sao có nhiều từ không giống với ngôn ngữ ký hiệu của người điếc.

Chị Cúc mong ước được đào tạo để trở thành phiên dịch chuyên nghiệp bởi lẽ chị biết ngôn ngữ ký hiệu nhờ học từ cộng đồng người điếc chứ chưa hề được đào tạo bài bản. Khó khăn lớn nhất của chị trong việc dịch bản tin thời sự bằng ngôn ngữ ký hiệu là phải dịch liên tục, không có ngừng nghỉ, trong khi các biên tập viên thời sự có vài người thay nhau đọc. Ngoài ra,  có nhiều từ mới và nóng như “động đất”, “chiến tranh” rất khó diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu do từ vựng hạn chế mà lại dịch trên màn hình autocute (hiện chữ), chứ không có hình ảnh nên rất khó diễn tả.