Hỗ trợ 'một bề'

TP - Một điều luật trong dự thảo Luật Dân số đang gây tranh cãi khi quy định về chính sách hỗ trợ tài chính cho một bộ phận gia đình sinh con một bề là gái.

Cụ thể là Khoản 4, Điều 25 quy định “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội”.

Có thể hiểu được ý tốt của ban soạn thảo khi lo cho người không có con trai “nối dõi tông đường” và cụ thể hơn, thiết thực hơn là chuyện về già, với quan niệm và cách tổ chức cuộc sống phổ biến ở nước ta hiện nay là con trai, nhất là con trai cả có trách nhiệm lớn nhất trong việc phụng dưỡng cha mẹ.

Tuy nhiên, ý định tốt đẹp này đã bị phản đối và những người phản đối có rất nhiều lý do, từ viện dẫn Luật Bình đẳng giới. Cũng có nhiều ý kiến nói quy định hỗ trợ tiền cho người sinh con một bề “vô hình trung sẽ làm tình hình xấu hơn, thậm chí nhiều gia đình sinh toàn gái có thể hứng chịu đàm tiếu của thiên hạ” hoặc “chủ trương này đang hợp thức hóa tư tưởng trọng nam khinh nữ”…

Quả là vấn đề không hề đơn giản chút nào. Ở nước ta đến thời điểm này, tập quán cha mẹ già ở với con cái, nhất là con trai chưa thể mất đi ngày một ngày hai, cả về tâm lý truyền thống cũng như hệ thống nhà dưỡng lão gần như chưa phát triển. Ở nông thôn, chuyện con cái phụng dưỡng cha mẹ già, chuyện các thế hệ ở chung vẫn rất phổ biến. Những người phản đối cũng có thể cho rằng, liệu có chồng chéo không khi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ với người già neo đơn, không nơi nương tựa… Và căn cứ vào đâu để chỉ hỗ trợ người sinh con gái không có chế độ bảo hiểm xã hội? Nếu người già có con trai nhưng vì lý do nào đó không phụng dưỡng được cha mẹ thì sao?

Cuộc tranh cãi cứ thế tiếp diễn, nhưng ở đây cần đặt một câu hỏi quan trọng: liệu khi soạn thảo, các nhà làm luật đã tham vấn ý kiến của người dân hay chưa, tham vấn ý kiến của bản thân những người sinh con một bề và con cái họ chưa. Liệu họ có hào hứng và thích thú đón nhận? Không những vậy, ý kiến của những đối tượng khác (không sinh con một bề, hoặc không thuộc diện được hỗ trợ) ra sao, liệu họ có thoải mái và vui vẻ khi ngân sách có phần tiền thuế của họ được chi ra hỗ trợ ai đó chỉ vì người đó sinh toàn con gái.

Vấn đề ở đây không phải là chuyện đúng sai. Mà quan trọng hơn là khi xây dựng chính sách, cho dù ý định là tốt nhưng nếu không tiến hành một cách khoa học, chặt chẽ, đầy đủ các bước thì cũng khó đạt mục tiêu.