Hiệu quả của chất vấn

TP - Bộ GD&ĐT sáng qua vừa công bố đình chỉ tuyển sinh đối với 3 trường ĐH Văn Hiến, Đông Đô và CĐ Công nghệ Thông tin TPHCM, ngoài ra 12 ngành thuộc 4 trường khác cũng bị đình chỉ.

> Đình chỉ tuyển sinh ba trường đại học, cao đẳng

Lý do không có gì khác ngoài việc chất lượng đào tạo quá kém như dư luận lâu nay vẫn từng lo ngại: Cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đều èo uột, thiếu thốn. Đáng chú ý, chỉ mới kiểm tra 24 trường mà Bộ này đã phát hiện tới 41 ngành không có giảng viên là tiến sỹ, 12 ngành không có tiến sỹ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu, nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Mới kiểm tra 24 trường mà đã vậy, không biết nếu kiểm tra hết 400 trường ĐH,CĐ trên cả nước, con số sẽ đáng giật mình tới mức nào?

Không thể hình dung có những ngành đào tạo cấp ĐH mà không có nổi một giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ ! Như vậy nghĩa là chỉ “cơm chấm cơm”, cử nhân lại dạy cho cử nhân. Điều này phần nào lý giải được thông tin mới đây trên Tiền Phong: “Cty TNHH Điện tử Foster (Đà Nẵng) có 7.500 công nhân, trong đó có khoảng 700 công nhân lắp ráp thủ công có bằng đại học, cao đẳng, có người sở hữu hai bằng”.

Trong đợt kiểm tra vừa qua Bộ GD&ĐT cho biết, hầu hết các trường chưa thực hiện được đúng như cam kết. Đây là lần đầu tiên Bộ này mạnh tay đình chỉ tới 3 trường ĐH và 12 ngành đào tạo khác ngay trước mùa tuyển sinh năm học mới. Thử hỏi các trường và ngành bị đình chỉ nói trên đã cho ra lò bao nhiêu cử nhân trong suốt thời gian tồn tại vừa qua?

Dư luận có quyền đặt dấu hỏi lớn về chất lượng những gì họ đã đào tạo. Thời gian và tiền bạc của nhiều ngàn sinh viên đã bỏ ra để theo học các trường, các ngành này liệu có “đáng đồng tiền bát gạo”? Suy rộng ra trên phạm vi cả nước, đó là một sự lãng phí ghê gớm! Phải chăng họ là nạn nhân của một dịch vụ đào tạo “chất lượng kém”?

Giật mình vì sự yếu kém của giáo dục ĐH nước nhà, song lại là một tín hiệu đáng mừng cho quyết tâm chấn chỉnh, kiểm soát loại hình dịch vụ đặc biệt, tối quan trọng của đất nước: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhớ lại phiên chất vấn nóng bỏng của Quốc hội với người đứng đầu ngành giáo dục cách đây hơn 1 tháng, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận phải đối mặt với gần 40 lượt chất vấn thể hiện sự lo lắng, bức xúc của cử tri cả nước về chất lượng nền giáo dục nước nhà. Trong phần “trả bài” khá vất vả của mình, Bộ trưởng Luận đã thừa nhận tình trạng yếu kém nói trên và hứa “các trường không đảm bảo sẽ phải dừng tuyển sinh hoặc đóng cửa”.

Như vậy đến nay lời hứa của Bộ trưởng đã bắt đầu được thực thi. Quyền lợi và đòi hỏi chính đáng của sinh viên, sự lo ngại của đông đảo cử tri về chất lượng giáo dục đại học đã bắt đầu có tín hiệu trả lời. Chất vấn nghị trường đã phát huy hiệu quả và sức mạnh của nó. Thêm cơ sở để hy vọng vào những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong năm học mới của Bộ GD&ĐT.

Theo Báo giấy