Xác định tâm lý "không được lì xì"
Hết tuổi nhận lì xì, bạn Vũ Thị Hồng Vững (sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tâm sự: "Mấy năm gần đây mình không còn được nhận lì xì nữa, kể từ khi bắt đầu học đại học việc được nhận lì xì bắt đầu thưa dần đi. Năm đầu học đại học, mình được duy nhất một người lì xì cho, hiện tại mình đã học đến năm thứ 4 rồi và không còn được ai lì xì cho nữa.
Thật ra, mình đã chuẩn bị tâm lý lớn rồi chắc chắn sẽ không còn được nhận lì xì nhưng vẫn có cảm giác hơi buồn. Bởi ngày trước, mỗi dịp Tết đến mình sẽ có thêm một khoản thu nhập từ tiền lì xì, bây giờ mất đi khoản thu nhập đó nên cũng thấy hơi hụt hẫng. Nghĩ thoáng hơn, ngày trước mình còn nhỏ được nhận lì xì rồi, giờ lớn mình đi lì xì lại để lan toả sự may mắn tiền tài đến với mọi người xung quanh".
Những ngày cuối năm, Vững vẫn đang tập trung cho việc kiếm tiền. Cô bạn khá năng động, làm 3 công việc cùng lúc: viết content, trợ lý KOL, MC tự do. Nữ sinh chia sẻ thêm:
"Mình chưa biết chắc là Tết này có được về sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình không nữa bởi do tính chất công việc hiện tại là một thực tập sinh, tiếp viên hỗ trợ hành khách tại sân bay, Tết đến mọi người di chuyển nhiều nên công việc khá bận rộn. Mình duy trì nhiều công việc khác để kiếm thêm thu nhập, đón một cái Tết chi tiêu thoải mái nhất, dành cho các khoản mua sắm, biếu bố mẹ, các em".
Chạy nước rút kiếm tiền cuối năm để “mang tiền về cho mẹ”
Dù chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng Văn Hiền (21 tuổi, quê Bắc Giang) vẫn quyết định ở lại Hà Nội chạy nước rút kiếm tiền cuối năm để “mang tiền về cho mẹ”.
Chàng trai Bắc Giang cho hay: “Vì đã có một khoản tích lũy từ trong năm nên Tết năm nay mình sẽ mua cây quất, cây đào về cho có không khí Tết. Ngoài ra mình sẽ tặng mẹ nửa tháng lương của mình, một phần để báo hiếu suốt hơn 20 năm mẹ vất vả.
Tết đến cũng là thời khắc người người nhà nhà quây quần bên nhau, để cùng nhau tận hưởng một cái Tết trọn vẹn và ấm áp. Đây là dịp mọi người mừng tuổi, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới. Dù không còn là trẻ con nhưng ai trong chúng ta cũng vẫn mong muốn nhận được lì xì”.
Cố gắng tiết kiệm nhất có thể
Bước vào năm 4 đại học, bạn Ngọc Lệ (sinh năm 2000, sống ở Hà Nội) cảm thấy thoải mái trước truyền thống mừng tuổi ngày Tết. Nữ sinh bày tỏ: "Những năm gần đây, mình vẫn nhận được lì xì nhưng ít hơn hồi còn nhỏ. Tết đến, thường mọi người sẽ bảo mình: “Năm nay Lệ lớn rồi không lì xì cho nữa nhé!”. Nghe được câu nói này mình cũng khá thoải mái và vui vẻ vì thấy bản thân mình đã trưởng thành và tự ý thức được việc đó.
Hiện mình vẫn đang trong kỳ thực tập và đi làm thêm, chắc khoảng ngày 25 Tết mình mới về quê. Năm nay dịch bệnh khó khăn, mình sẽ tiết kiệm và chỉ chi những khoản cần thiết. Mình không dự định trước được số tiền mình tiêu vì thực ra mình cũng không phải sắm sửa quá nhiều cho Tết vì bố mẹ ở quê cũng có chuẩn bị rồi. Quan trọng nhất, mình sẽ chi một số khoản để sắm đồ Tết cho bản thân, mua quà cho người thân, chuẩn bị tiền để mừng tuổi cho ông bà, bố mẹ và các em".
Gần đây, câu hát "mang tiền về cho mẹ" từ bài rap của rapper Đen Vâu đã có sức hút và sự lan tỏa khá lớn với những đứa con xa quê đang làm việc, học tập ở thành phố lớn. Nhiều bạn trẻ còn lấy câu nói trên làm động lực để tiếp tục làm việc tăng thu nhập những ngày cuối năm, quyết tâm "mang tiền về cho mẹ", chứng tỏ bản thân đã trưởng thành và đã có việc làm, có trách nhiệm đóng góp cho gia đình.