Hé lộ về kho báu bí mật nghìn tỷ USD của phát xít Nhật

Phóng sự điều tra "Võ sĩ vàng" do hai nhà báo người Mỹ là Sterling Seagrave và Peggy Seagrave thực hiện trong suốt 18 năm điều tra, đã hé lộ những bí mật về kho báu khổng lồ của quân đội Nhật vơ vét được trong Thế chiến II, theo L’Express.
Quân đội Nhật tại Trung Quốc, năm 1937. Ảnh: L'Epress

Theo đó, ngay từ đầu cuộc chiến, Nhật đã có những kế hoạch mang tính chiến lược về sự bành trướng của chủ nghĩa phát xít. Để phục vụ chiến lược này, Nhật hoàng Hirohito cùng các thành viên hoàng gia đã lập ra một kế hoạch bí mật, mang tên "Kim bách hợp", do hoàng thân Yasuhito, em trai của Nhật hoàng trực tiếp chỉ huy.

Mục đích kế hoạch này là vơ vét thật nhiều của cải tại các nước châu Á, sau đó vận chuyển số của cải này về Nhật nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và công nghiệp nhanh nhất có thể.

Kế hoạch được triển khai một cách toàn diện trên mọi lĩnh vực. Lực lượng tình báo trinh sát được tung đi các nơi để dò xét tình hình, địa điểm cụ thể và những thương nhân giàu có. Ngoài ra, Nhật hoàng còn điều một lực lượng lớn các chuyên gia giám định vàng bạc, cổ vật từ "Chính quốc" sang để phân loại của cải.

Chỉ trong vài năm quân đội phát xít Nhật đã vơ vét được rất nhiều của cải quý giá, từ hàng nghìn tấn vàng khối ở Trung Quốc, những bức tượng Phật cổ quý hiếm ở Myanmar đến vô số đá quý ở Indonesia và những đồ gốm cổ của Triều Tiên.

Theo số liệu thống kê trong "Võ sĩ vàng", riêng tại Nam Kinh, một trong những thành phố giàu có nhất Trung Quốc quân Nhật đã tịch thu được 6.000 tấn vàng, chưa kể các báu vật khác. Số vàng này được nấu chảy ra rồi đúc khuôn thành những thỏi vàng có kích thước thống nhất, sau đó chuyển về Nhật.

Một phần của cải trong kế hoạch "Kim bách hợp" được chuyển về Nhật Bản bằng đường biển. Nhưng từ năm 1943, tàu ngầm của Mỹ đã phong tỏa toàn bộ các tuyến hàng hải tại vùng biển này nên quân Nhật chỉ còn cách chôn giấu tại các nước châu Á, rồi sau này sẽ tìm cách quay lại vận chuyển.

Dưới sự giám sát của các thành viên hoàng gia, tướng Yamashita Tomoyuki, người được đặt biệt danh "Mãnh hổ Malaya" vì những "chiến công" khi xâm chiếm các nước Đông Nam Á, đã chỉ huy kế hoạch xây dựng các kho cất giữ của cải ngầm trong lòng đất tại Philippines.

Vào một tối đầu tháng 6/1945, khi bộ binh Mỹ đã siết chặt vòng vây, cách đại bản doanh quân Nhật tại thành phố Bambang, Phillippines chỉ vài chục km, thì tại một căn hầm lớn chứa đầy vàng ở ngoại ô thành phố này, các công đoạn cuối cùng của việc chôn giấu đã được hoàn tất.

Đến nửa đêm, tướng Yamashita và các thành viên hoàng gia nhanh chóng rời khỏi căn hầm và kích nổ những quả mìn được bí mật đặt ở lối ra vào, chôn sống tất cả kỹ sư, công nhân xây dựng cùng với số của cải trong đó. Các kế hoạch thủ tiêu tương tự cũng xảy ra ở tất cả các địa điểm chôn giấu khác.

Tướng Yamashita Tomoyuki, người chỉ huy kế hoạch chôn giấu của cải của phát xít Nhât. Ảnh: Wikipedia

Chỉ duy nhất có một người Philippines tên là Ben Valmores, vốn là nô bộc của Takeda Tsuneyoshi - thành viên Hoàng gia giám sát việc xây dựng, đã được chủ nhân động lòng cho thoát ra ngoài ngay khi phát nổ.

Các vị hoàng thân sau đó được tàu ngầm Nhật đến đón đưa về Tokyo. Ba tháng sau, ngày 2/9/1945, tướng Yamashita cùng binh sĩ đầu hàng quân đồng minh. Ông bị tòa án binh Mỹ xử tử hình vì phạm nhiều tội ác chiến tranh, nhưng không hề hé lộ về kho báu đã tự tay chôn giấu.

Tuy nhiên, các động thái chuyển vàng và xây dựng quy mô của tướng Yamashita đã không qua được mắt các điệp viên Mỹ nằm vùng tại Philippines. Tuy không nắm được thông tin cụ thể, nhưng tình báo Mỹ biết chắc chắn phát xít Nhật đang cất giấu một số của cải khổng lồ tại nước này.

Cục tình báo chiến lược Mỹ (OSS), tổ chức tiền thân của CIA đã sử dụng phương án khai thác người lái xe thân cận của Yamashita là thiếu tá Kashii. Việc này do sĩ quan tình báo người Philippines gốc Mỹ là Tuy Santa Romana đảm nhiệm, giám sát Santa là G.Lansdale, một nhân vật nổi tiếng thuộc OSS.

Công việc thẩm vấn được tiến hành bí mật, cuối cùng vào tháng 10/1945, quân đội Mỹ đã nắm được một số địa điểm nghi ngờ là nơi chứa kho báu. Sự việc đã được báo lên cho Tổng thống Harry S. Truman. Một kế hoạch khai quật được bí mật tiến hành.

Tháng 11/1945, tướng J. McCloy, đặc phái viên tài chính của Tổng thống Truman cùng Lansdale bí mật bay đến Manila thị sát hầm vàng mà Santa đã khai quật. Chỉ tính riêng ở đây, số vàng đã có giá trị vài chục tỷ USD. Theo ước tính của nhà báo Sterling Seagrave, tổng số vàng và của cải được chôn giấu tại nhiều địa điểm ở Phillippines có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Chính quyền Mỹ lúc đó quyết định dùng kho vàng bạc, châu báu này thiết lập một quỹ bí mật phục vụ các hoạt động tình báo chống lại Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Giai đoạn sau, CIA cũng từng dùng quỹ này để tài trợ cho lực lượng đối lập tấn công chính phủ Nicaragua. Vụ này sau đó bị đổ bể dưới cái tên "scandal Contragate" thời Tổng thống Ronald Reagan.

Bên cạnh các điều tra của hai nhà báo, một sự việc rùm beng khác cũng chứng thực sự tồn tại của kho báu của phát xít Nhật. Đó là vụ việc liên quan đến cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, người bị buộc tội tham nhũng và bị phế truất năm 1986. Trước khi chạy sang Hawaii sống lưu vong, gia đình nhà độc tài này sở hữu khối tài sản khổng lồ.

Nguồn gốc sự giàu có này được ông Marcos chính thức giải thích ngày 1/1/1970 (lúc đó là đương kim tổng thống Philippines) rằng nhờ đào được kho vàng của tướng Yamashita. Năm 1992, bà góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita.

Theo Theo VnExpress