Hàng Tết 2017: Kiểm soát việc khan hàng, đẩy giá

TP - Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các đơn vị Hà Nội đã dành trên 23.000 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thiết yếu cung ứng tới người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khan hàng, khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Doanh nghiệp, siêu thị của Hà Nội đang chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết

Trên 23.000 tỷ đồng dự trữ hàng hóa

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy… trong dịp Tết sẽ tăng khá mạnh. Trong đó, dự kiến gạo sẽ tăng từ 82.600 tấn lên 88.000 tấn, trong khi nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân. Số lượng còn lại sẽ được khai thác từ các tỉnh lân cận. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng từ 12.800 tấn lên 15.300 tấn; thịt bò từ 4.000 tấn/tháng lên 4.600 tấn trong tháng Tết; thịt gà từ 5.100 tấn lên 6.400 tấn; thủy, hải sản từ 5.000 tấn lên 5.500 tấn; rau, củ từ 83.300 tấn…

Ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, dịp Tết không tránh khỏi sự biến động về giá cả các loại mặt hàng thiết yếu nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ Tết Nguyên đán năm 2017, thành phố sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với năm 2016.

Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Trong đó, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích dự trữ và dự kiến đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá 4.500 tỷ đồng; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát,... dự trữ lượng hàng hóa trị giá hơn 9.000 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn sản xuất kinh doanh các nhóm hàng hóa phục vụ Tết như nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo…, với tổng giá trị gần 2.100 tỷ đồng.

Về kế hoạch phục vụ người dân, năm nay Hà Nội sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất và 22 phiên chợ Việt cùng 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết. Đặc biệt năm nay, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để bình ổn giá dịp Tết, Hà Nội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý.              

Không để lọt hàng giả ở điểm bán hàng bình ổn giá

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã có kế hoạch triển khai phục vụ Tết. Đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của tổng công ty.

Bên cạnh đó, Hapro sẽ tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt và 100 chuyến bán hàng lưu động. Về thời gian phục vụ, đối với các chuyến hàng lưu động tập trung bán hàng vào dịp trước Tết, phục vụ nhu cầu của công nhân tại các khu công nghiệp. Tại các hệ thống bán lẻ, tập trung bán đến 10 giờ đêm ngày 29 Tết, ngày 30 Tết thì tùy theo nhu cầu của nhân dân, tổng công ty sẽ tổ chức 10 địa điểm mở cửa bán hàng xuyên qua giao thừa và mùng 1, mùng 2 Tết. Đến mùng 4 Tết là toàn bộ hệ thống cửa hàng sẽ được mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân.

Theo chỉ đạo của Hà Nội các doanh nghiệp và siêu thị phải kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng nhập, không để hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào các điểm bán hàng bình ổn giá. Thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm lọt vào các điểm bán hàng bình ổn. Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và Công an theo dõi sát diễn biến cung- cầu hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành để giải quyết những vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.

“Sở sẽ mở thêm kênh để tiếp nhận thông tin, báo cáo khu vực nào có biến động về giá bất thường để trong vòng 3 tiếng chỉ đạo điều tiết hàng hóa hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Các doanh nghiệp gặp vấn đề vướng mắc, chỉ cần gọi điện, nhắn tin hoặc gửi thư điện tử cho chúng tôi, hoặc gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo Sở”, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết.

Tại cuộc vừa qua với Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị hàng Tết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bình ổn giá phải thực hiện đúng cam kết về giờ đóng cửa, mở cửa trong dịp Tết, quan trọng hơn là có đủ nguồn dự trữ để hàng hóa không bị đẩy lên cao một cách bất hợp lý trong dịp này.