Giới trẻ du lịch dịp 2/9: Thiên về trải nghiệm, khám phá vùng đất mới

TPO - Thay vì chọn du lịch nghỉ dưỡng hay đến các địa điểm sang trọng, nhiều bạn trẻ năm nay ưu tiên trải nghiệm và khám phá vùng đất mới với các địa điểm gần gũi thiên nhiên để tái tạo năng lượng. Đặc biệt, hoạt động cắm trại, leo núi cũng được nhiều nhóm bạn lựa chọn để thử thách giới hạn của bản thân.  

Khám phá giới hạn của bản thân

Muốn yên tĩnh và có dịp kết nối bạn bè, chị Phan Lai (SN 1993, sống ở Hội An) chọn đi trekking cùng bạn bè cách nhà 50km.

"Ở đây có thác, suối, rừng rất thích hợp để thư giãn, nghỉ ngơi và kết nối bạn bè với nhau. Ngày lễ, mọi người về chỗ đông người, nơi du lịch đông đúc nên mình tìm chỗ vắng vẻ để đi cho bớt cảm giác xô bồ", cô bạn cho biết.

Trekking đưa Phan Lai và bạn bè vào môi trường thiên nhiên, nơi có thể trải qua những thử thách và khám phá cùng nhau tạo ra sự kết nối đặc biệt. Bởi để hoàn thành một hành trình trekking đòi hỏi sự kiên nhẫn, động viên và hỗ trợ từ nhau. "Khi mình và bạn bè cùng đối mặt với những khó khăn và thách thức, mối quan hệ có thể trở nên mạnh mẽ hơn với trải nghiệm độc đáo như bắt gặp cảnh hoàng hôn trên đỉnh núi, chia sẻ bữa ăn dưới bầu trời đêm, hoặc vượt qua những con đường gập ghềnh...", cô bạn hào hứng nói.

Đặc biệt, theo Lai, trong chuyến trekking, cô và bạn bè sẽ có cơ hội để tương tác mà không bị gián đoạn bởi các yếu tố xã hội như điện thoại di động hay công việc. Thay vào đó là cùng nhau tập trung và tận hưởng thời gian ngắt kết nối với công việc thật chất lượng cùng nhau. Lai nói thêm: "Mình và bạn bè có cơ hội thảo luận về cuộc sống, ước mơ, kế hoạch tương lai và nhiều chủ đề khác sau một thời gian dài chưa gặp gỡ".

Lai thích gần gũi thiên nhiên và tìm đến các sở thích mới để chữa lành. Ảnh: NVCC

Tìm đến thiên nhiên để tái tạo năng lượng

Bạn Trang Phạm (23 tuổi, cựu sinh viên trường Đại học Thăng long Hà Nội) cho biết, dịp lễ năm nay cô sẽ chọn đi du lịch trải nghiệm ở các tỉnh Tây Bắc để được tiếp xúc với văn hóa, phong cảnh, và hoàn cảnh khác biệt so với môi trường hàng ngày, mở rộng tầm nhìn và hiểu biết.

Với Trang, du lịch trải nghiệm thường khuyến khích việc tương tác với cộng đồng địa phương, tạo sự gần gũi và ý nghĩa hơn. Từ những trải nghiệm đầy thách thức như phượt qua cung đường đèo... thường sẽ đem lại kỷ niệm và khoảnh khắc đáng nhớ.

"Trên con đường đèo, hít mùi hương dịu lành từ núi rừng, thơm mùi lúa chín ở Mù Cang Chải hay có trải nghiệm táo bạo với cung đường quanh co, hùng vĩ ở Hà Giang, tôi như được trao nạp năng lượng sau một hành trình dài. Cởi bỏ những trăn trở ngẩn ngơ hay bộn bề công việc, tôi có thêm liều thuốc chữa lành", Trang nói thêm về lý do tìm đến thiên nhiên.

Trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trang đã từng mơ về những chuyến đi, những cung đường rong ruổi khắp Việt Nam. Cô đã đặt mục tiêu rằng "khi hoàn thành việc học Đại học, sẽ đi xuyên Việt". Sau những năm vừa học vừa làm thêm cật lực để tích tiền đi du lịch, cô gái trẻ đã hoàn thành chuyến đi xuyên Việt ở tuổi 23 trong 22 ngày cùng một số người bạn đồng hành. Ảnh: NVCC

"Quan trọng hơn cả đó là chuẩn bị tinh thần sẵn sàng, đừng lo lắng, đừng sợ hãi, thay vào đó là tâm lý vững vàng, nhưng tôi nghĩ là bất cứ ai khi bắt đầu cũng đều không lo lắng mà thay vào đó là sự háo hức, mong chờ khám phá những mảnh đất mới", cô gái 9x nói.

Khám phá đất nước mới

"Mỗi hành trình mình đi qua đều có sự khám phá, trải nghiệm chứ không đơn thuần là hưởng thụ", Lan Chi (SN 1994, sống ở TP HCM) chia sẻ. Trong 4 ngày nghỉ lễ 2/9 năm nay, Chi sẽ chọn đi du lịch Trung Quốc. Theo cô bạn, xu hướng du lịch nước ngoài sẽ phù hợp với thế hệ 9x hơn khi họ đã có công việc, thu nhập ổn định.

Với Chi, trải nghiệm du lịch nhiều sẽ giúp mở rộng tư duy tổ chức và tâm hồn cởi mở, ít thành kiến, biết cách trân trọng những nền văn hóa khác nhau và yêu văn hóa Việt Nam hơn.

Để có trải nghiệm tốt, Chi đề cao 2 yếu tố là sự chuẩn bị kỹ càng và cởi mở đón nhận. Ảnh: NVCC

Nhìn nhận về xu hướng tự “chữa lành” của người trẻ, Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga lý giải, đây là quá trình tự trở nên lành lặn của những gãy vỡ, tổn thương, khác với trị liệu chỉ có thể được thực hiện bởi các nhà chuyên môn y tế hoặc tâm lý. Cho dù một người bị tổn thương cần được trị liệu hay không, tất cả chúng ta đều có nhu cầu đạt đến sự cân bằng, ổn định của cơ thể và tâm trí. Quá trình này có thể bao gồm nhiều phương pháp, từ truyền thống đến hiện đại, như lối sống, ăn uống, tập thể dục, yoga, massage, thiền định, chăm sóc sức khỏe tinh thần, trị liệu tâm lý hay dược lý và nhiều hơn nữa.

ThS. Nga cho rằng, khi chọn cách tìm về thiên nhiên, để được nghỉ ngơi và thực sự hồi sinh tinh thần khỏi căng thẳng, mệt mỏi, người trẻ cần ngắt kết nối với các hoạt động công việc, internet, mạng xã hội…