Dù có viện dẫn những trình tự, quy trình để biện giải, nhưng hình ảnh của những dự án được cho là xanh đang vây nhốt cảnh quan.
Hãy xem, từ Bắc vào Nam, nơi nào đẹp, khí hậu mát, cộng với nét hoang sơ, đều nằm vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Phải công nhận, nhiều chủ đầu tư đã tham vấn quy hoạch cho chính quyền góp phần tạo dựng, tôn vinh thêm vẻ đẹp cho mỗi địa phương, nhưng có những kẻ ăn tham lam, dưới sự tiếp tay của quan chức suy thoái đã phá nát tất cả. Câu chuyện đồi cỏ hồng Đắk Đoa (Gia Lai), Măng Đen (Kon Tum) và nhiều nơi khác không kể hết là những ví dụ sinh động. Đồi cỏ hồng hoang sơ với những cây thông tư thế bonsai đẹp lạ lùng, mỗi mùa cỏ trổ hoa, người dân kéo đến thưởng thãm. Thế rồi nhà đầu tư FLC vào cuộc, UBND tỉnh này làm tờ trình; người ta ào ào di thực thông để làm sân golf. Thông chết nhiều và mới đây nhất là người có trách nhiệm cũng bị kỷ luật (chủ đầu tư liên quan vào tù). Thị trấn Măng Đen được ví Đà Lạt của trăm năm trước cũng bị chà đạp, phá rừng, phân lô. Khách du lịch chưa thấy đâu, đã hiện hữu dòng người thổi giá đất. Quan chức liên quan cũng phải trả giá. Đắk Nông từng nổi tiếng với khu rừng lạnh (do nhiều cây cổ thụ, thiên nhiên ưu đãi), nhưng do sự tận phá của con người, đã biến thành rừng nóng tiếp sức cho biến đổi khí hậu.
Những vụ việc như trên không thể qua mắt được người dân, dù quan chức hư hỏng giỏi ngụy biện cỡ nào. Không thể nói suông Singapore lấn biển, Hà Lan đắp đê, Dubai xây đảo…để lấp liếm việc phá vỡ cảnh quan, làm mất hệ sinh thái. Hãy nhớ ở Singapore, người chặt một cây xanh bị phạt rất nặng. Tại các nước văn minh, công trình xây lên phải thuận thiên, hợp lòng người.
Con người chỉ có thể nương tựa vào thiên nhiên. Mẹ thiên nhiên luôn bao dung, nhân hậu, nhưng khi đã đến ngưỡng chịu đựng những gì Mẹ thiên nhiên phản ứng con người sẽ là kẻ lãnh đủ.