Gen Z mang xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ, tiểu thuyết Số đỏ lên sàn thời trang tốt nghiệp

TPO - Các nhà thiết kế trẻ Gen Z đã mang tới Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 nhiều thiết kế ấn tượng với chủ đề "Tái sinh". Trong đó, có thiết kế lấy ý tưởng từ xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ; trích đoạn "Hạnh phúc một tang gia" của tiểu thuyết Số đỏ; ký sinh trùng từ tự nhiên... Đặc biệt, các thiết kế theo đuổi thời trang bền vững.

Trong hai ngày 20 - 21/8, tại Hà Nội, Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội tổ chức Tuần lễ thời trang tốt nghiệp năm 2022 với chủ đề "Re:birth/Tái sinh" với các bộ sưu tập thể hiện những tư duy khác biệt từ các sinh viên - nhà thiết kế trẻ Gen Z

Chương trình triển lãm các tác phẩm tốt nghiệp thể hiện quá trình phát triển ý tưởng ban đầu đến sản xuất, trình diễn các bộ sưu tập; các hoạt động cộng đồng vì cộng đồng "Áo mới đến trường".

Bà May Cortazzi - Giảng viên khoa Thời trang tại Học viện chia sẻ: "Chủ đề Tái sinh là cơ hội để tôn vinh sự sáng tạo, thể hiện tư duy hướng tới tương lai. Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 mang đến một làn sóng những nhà thiết kế trẻ sáng tạo với tầm nhìn chung là thúc đẩy những điều tích cực, tư duy mới mẻ và tạo nên thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang".

Bám theo chủ đề của chương trình, các bộ sưu tập được chia thành ba nhóm chủ đề đại diện cho sự thay đổi của thế hệ Gen Z gồm: thức tỉnh, sống dậy và đổi mới.

Nhóm chủ đề "Thức tỉnh" gồm những bộ sưu tập nói lên nhận thức mới mẻ của nhà thiết kế về các vấn đề của cộng đồng, môi trường, thiên nhiên như: xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ, ký sinh trùng... Nhiều bộ sưu tập theo đuổi thời trang bền vững như dùng vải sợi tự nhiên, vải tái chế, màu nhuộm tự nhiên không độc hại.

Nhóm chủ đề "Sống dậy" gồm các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ chính quá trình khám phá bản thân của các bạn trẻ từ tâm lý khi yêu đơn phương, những trạng thái tâm trí mơ hồ, lơ lửng... Ngoài ra, còn có các bộ sưu tập thể hiện sự tìm tòi khám phá của người trẻ khi dự đoán về cuộc sống con người trong tương lai.

Nhóm chủ đề "Đổi mới" gồm các bộ sưu tập thể hiện sự trân trọng và làm mới các giá trị của quá khứ, truyền thống như các tác phẩm hội họa kinh điển, tác phẩm văn học Việt Nam, vẻ đẹp trang phục vùng cao, dấu ấn thời bao cấp...

Bên cạnh những ấn tượng về sắc màu, kiểu dáng, các bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ còn mang đến nhiều câu chuyện thú vị trong quá trình thiết kế.

Bộ sưu tập của Nguyễn Thị Thùy Dung gồm 400 quả cầu khâu tay. Một chiếc váy phải khâu rút dúm bằng tay mất 2 tuần để tạo hiệu ứng tự nhiên.

Bộ sưu tập của Đào Thu Trang được khâu đột bằng tay với hàng nghìn mảnh denim tái chế ghép lại

Bộ sưu tập của Trần Quốc Anh có tên "Hạnh phúc một tang gia" lấy ý tưởng từ tiểu thuyết "Số Đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Tham quan triển lãm và trình diễn, khán giả còn ấn tượng với nhiều câu chuyện khác như: Bộ sưu tập của Phạm Trung Anh gần như không mất chi phí vải vì nguyên liệu lấy từ hơn 30 chiếc quần jeans xin được từ người thân. Bộ sưu tập của Bùi Thanh Lam, riêng công đoạn đun gỗ tạo màu tự nhiên để nhuộm vải đã mất hơn 6 giờ đồng hồ. Bộ sưu tập của Nguyễn Thanh Hiền có mẫu thiết kế nặng tới 10kg vì các chi tiết kim loại và động cơ điện...

Bộ sưu tập của Chu Thị Thái Hà có mẫu tốn hàng trăm mét vải để tạo được phom xếp lớp bồng bềnh nhiều tầng; thậm chí đặt riêng chiếc yếm gỗ và túi gỗ cho phù hợp với thiết kế. Bộ sưu tập của Trương Ngọc Cát Tường dùng vải tái chế và nhựa sinh học.

Cùng ngắm thêm một số hình ảnh các thiết kế được trình diễn trong Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022.