Đứng chơi trước cửa, bé gái bị đạn 4 ly găm xuyên cổ

TPO - Đang đứng chơi trước nhà bỗng nghe một tiếng “phụp”, Thảo cảm thấy nhói đau ở sau gáy, rồi máu chảy. Gia đình lập tức đưa em đi cấp cứu và phải phẫu thuật gấp gắp viên đạn khỏi cổ.
Phim X-Quang cho thấy viên đạn tròn nằm sâu trong cổ bệnh nhi và hình ảnh cây dò - một thủ thuật để các bác sĩ xác định vị trí viên đạn chính xác hơn. Ảnh: Quốc Ngọc.

Ngày 1/10, bác sĩ Phan Gia Duy Linh - khoa tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, bé gái Hoàng Thị Thảo (13 tuổi, ngụ Đắk Nông) nhập viện lúc 1h sáng 27/9 trong tình trạng có vết thương dưới dái tai trái, đã cầm máu, bệnh nhân tỉnh.

Theo ông Hoàng Đức Lâm - bố bệnh nhi, trước đó, khoảng 18h ngày 26/9, em Thảo đang đứng chơi trước nhà thì bỗng nghe một tiếng “phụp”. Sau đó, em cảm thấy nhói đau ở sau gáy, rồi máu chảy. Gia đình lập tức đưa em đi cấp cứu tại bệnh viện huyện, rồi Bệnh viện tỉnh Đắk Nông.

Bác sĩ Linh cho biết, bệnh viện tỉnh xác định có dị vật găm từ dưới dái tai bên trái vào rất sâu và nằm ở trước cột sống cổ bệnh nhân. Tuyến tỉnh đánh giá không đủ khả năng thực hiện phẫu thuật. 

Em Thảo được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, từ đó, em tiếp tục được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng 1. “Chúng tôi đánh giá sẽ xảy ra nhiều nguy cơ nếu tiến hành phẫu thuật ngay. 

Hơn nữa, tình trạng bé gái ổn, nên chúng tôi quyết định lùi thời gian mổ lấy dị vật vào sáng hôm sau (thứ hai 28/9) để có thể làm thêm các xét nghiệm, hội chẩn”, ông Linh nói.

Vị trí mà dị vật xuyên vào, theo bác sĩ Linh, khá nguy hiểm vì tập trung nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Tuy nhiên, khá may mắn là đường đi của dị vật không làm tổn thương các cấu trúc quan trọng này.

Theo đổi với báo chí, ông Phạm Mạnh Tiến - khoa chẩn đoán hình ảnh cho biết, y văn thế giới từng cảnh báo về việc có thể nhìn thấy dị vật trên phim X-Quang, tuy nhiên, khi mổ thì có khi không tìm thấy dị vật hoặc mất rất nhiều thời gian mới có thể thể tiếp cận được dị vật. 

“Lường trước khó khăn này, bệnh viện đã quyết định dùng máy X-Quang di động chụp vùng cổ bệnh nhân ngay tại phòng mổ. Đồng thời, khi chụp, dùng kèm thêm cây dò để xác định chính xác vị trí dị vật”, ông Tiến cho biết.

Em Thảo và bố sau ca mổ lấy viên đạn ra khỏi cổ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: Quốc Ngọc.

Ca mổ kéo dài 4 tiếng đã thành công. Dị vật được lấy ra khỏi cột sống cổ em Thảo là một viên đạn tròn như viên bi xe đạp, kích thước khoảng 4 ly, đã bị gỉ sét. Tính cho đến thời điểm được lấy ra, viên đạn đã nằm trong cơ thể bệnh nhân 3 ngày. 

Nếu để lâu hơn, theo bác sĩ Linh, sẽ gây viêm sưng vùng cổ. Như thế sẽ khiến cho việc phẫu thuật càng khó khăn hơn và bệnh nhân sẽ gặp các di chứng đáng tiếc. Dự kiến 1 tuần sau mổ bé Thảo sẽ được cắt chỉ, nếu sức khỏe ổn sẽ được xuất viện và hẹn tái khám. 

Bố em Thảo cho biết thêm, xung quanh nhà ông xưa nay chưa ai nghe nói, hoặc có ai sử dụng súng săn. Khi xảy ra tai nạn, xung quanh nhà cũng không có ai. Nên không thể biết viên đạn xuất phát từ đâu.