Từ hồi còn đang là sinh viên khoa Điêu khắc trường Mỹ thuật Hà Nội, sở trường của Đạt đã là côn trùng động vật phóng to ra bằng gốm, gỗ, sơn mài kim loại. Sau này cũng những đồ chơi đó giúp anh giàu có và thành danh.
Bỏ kiến bỏ sên đi “thay máu”
Hai mươi năm trước, giải thưởng hay sự nổi tiếng với dân điêu khắc chẳng thể giúp họ bớt nghèo. Chẳng ai hỏi mua đám cua, kiến, sên đó cả. Đạt bỏ đi nước ngoài, lang thang hàng chục nước Âu- Mỹ- Á theo các dự án nghệ thuật. Tới giờ anh vẫn vô cùng biết ơn những cuộc di chuyển mà anh gọi là “thay máu” đó.
Tại Mỹ anh từng gia nhập cuộc sống sát sạt nồng nặc mùi đáy xã hội của nghệ sỹ phương Tây. “Khi người ta từ chối cuộc sống yên ấm thường nhật với gia đình vợ con trong nhà mình, trong thành phố của mình trong xã hội của mình, để chấp nhận sống với các ngón tay đau dại vì làm lụng như những kẻ lao động dưới đáy, thì sẽ có câu trả lời rõ nhất “Tại sao chúng ta lại làm nghệ thuật?”- chắc chắn sẽ là: Vì Tình yêu! Là Nghiệp hay là gì đó giống như Tôn giáo”.
Sống với hội dám “tử vì đạo nghệ thuật” Đạt thấy mình còn quá hời hợt. “Nghệ thuật với mình chỉ là tình yêu thôi chưa phải tôn giáo. Chỉ yêu yêu thôi nên tới giờ hẹn mà mưa gió thì lờ đi, chui vào chăn ngủ tiếp. Nếu là tôn giáo thì mặc giông bão sấm sét vẫn đến với nàng”.
Năm 2004 đám đồ chơi côn trùng của Đạt đã lọt mắt khách Tây. Bán được tác phẩm, kinh tế rủng rỉnh, hoạ sĩ tiếp tục ngao du trời Tây thêm năm năm tới một ngày bỗng sợ đi nước ngoài, quyết định bám trụ Việt Nam. Cuộc sống đã dễ dàng hơn nhiều so với thời hoang mang vô định về nghề điêu khắc cũng như thân phận nghệ sĩ tự do. Xưởng con giống của anh ở Hà Nội vận hành tốt với nhóm công nhân lành nghề và như Đạt tả “tụi nó đáng yêu lắm”.
Làm ở xưởng đồ chơi giống như hôn nhân cụ thể là vợ. Nó nhợt nhạt, chẳng hay ho gì nhưng đem lại sự yên tâm dễ chịu. Thiết kế sân khấu lớn, hoành tráng đấy, thu nhập tốt đấy nhưng giống một cô bồ lấp lánh, hấp dẫn nhưng hơi bất an.
Họa sĩ Đinh Công Đạt
Đạt kể, từ hồi bé đã chăm chỉ, sau này khá giá vẫn ham công việc y như thời khó khăn. “Tôi làm việc như một con vật”. Cộng sự phát sợ vì năng lượng thừa và những cơn sùng sục làm như điên của anh. Nhạc sĩ Quốc Trung có lần nói “Chỉ có rồ mới chịu được ngần ấy áp lực công việc như ông”.
Mỗi tháng họa sĩ có hai mươi ngày bận túi bụi ở TP Hồ Chí Minh với công việc thiết kế sân khấu, design cửa sổ cho Hermes. Có mười năm kinh nghiệm chuyên làm concept (ý tưởng) cho sân khấu, hiện giờ anh chỉ nhận lời làm việc với đạo diễn giỏi và các sự kiện lớn. Với Hermes, đã tám năm nay Đạt nhận phần thiết kế (design) cửa sổ và phát triển sản phẩm (production design). Làm việc với thương hiệu đẳng cấp nhất thế giới về sản phẩm thủ công anh học được một điều “không có cái tốt nhất bao giờ cả”. Khi nhận sản phẩm của mình, dù đẹp đến đâu họ cũng vẫn hỏi “anh có thể làm được tốt hơn nữa không?”. Nếu mình nói có thể thì họ bảo “vậy thì làm đi!”. Chuyên gia giỏi chẳng bao giờ thỏa hiệp, họ không có giới hạn về sự xuất sắc. Quan niệm này hầu như không tồn tại trong tâm thức người Việt.
Sau nhiều năm tham gia sân chơi nghệ thuật ở trời Tây, điều thú vị đáng kể mà nhà điêu khắc nhận được không phải là được xem nhiều hay được định hướng sáng tác mà là được dạy về quản lý tài chính cho một dự án. Nghệ sĩ luôn kém trong việc này.
Xưởng như vợ, sân khấu lớn như bồ
Hỏi Đạt “giữa hai việc sản xuất tượng con giống ở xưởng và vào Nam làm thiết kế sang chảnh, cậu thấy sướng cái nào hơn?”. Đạt nghĩ rất lâu mới trả lời rằng làm đồ chơi giống như hôn nhân, cụ thể là vợ. Nó nhợt nhạt, chẳng hay ho gì nhưng đem lại sự yên tâm dễ chịu. Anh thích câu ví von của một nhà văn “Ở bên cạnh người ta thực sự yêu, bạn có cảm giác thiu thiu buồn ngủ”. Thiết kế sân khấu lớn, hoành tráng đấy, thu nhập tốt đấy nhưng giống một cô bồ lấp lánh, hấp dẫn nhưng hơi bất an.
Trở lại nghi vấn “không rồ tẹo nào” Đạt kể, mình là người bẩm sinh rành mạch, tỉnh táo, không nhầm lẫn các khái niệm và luôn mong được làm việc với đối tác kỹ tính, cầu toàn để học hỏi. “Nhiều người gặp tôi hỏi “thực ra anh là họa sĩ hay thương gia? Mình tỉnh nhưng không đặt mục đích rõ ràng. Nhiều lúc vật vã tỉ mỉ làm ra một thứ nét căng rồi vứt toẹt”.
Nói về niềm vui và sở thích, Đạt nhận xét người Việt ít thú vui và không biết yêu (yêu ở đây không phải tình ái). Đa số đi làm về tối chỉ biết úp mặt vào TV. “Hồi ở Mỹ thuê nhà của bà cụ 93 tuổi. Chiều chiều cụ ra khỏi nhà mình hỏi “Bà đi đâu đấy?”. “Đi học tiếng Tây Ban Nha”. “Để làm gì bà ơi?”. “Bà thích âm tiết của ngôn ngữ này, nghe nó ngân rất hay”. Ở nước mình cũng có người bỏ tất cả để theo đuổi đam mê phù phiếm nhưng theo anh vô cùng hiếm. Không ít người nhầm lẫn nỗi mong muốn với tình yêu, sở thích, lại cộng thêm tính lười biếng. Có người thích làm nghệ sĩ nhưng không thích làm nghệ thuật. Muốn thành văn sĩ nhưng không chịu ngồi viết. Thích làm người tình mà không chịu làm tình.
Đạt thấy có tỉ điều hay và niềm vui thú đang chờ anh, làm gì còn thời gian mà oán trách đời. “Bác thợ mộc nói sai rồi nếu thế gian toàn điều xấu xa tại sao cây táo lại nở hoa?, nói như Lưu Quang Vũ”.
Cứ tinh túy đi rồi sẽ cộng thông
Đạt “rồ” chẳng thấy sao khi mọi người gọi tượng con giống của anh là đồ mỹ nghệ “Tôi là thợ, không phải nghệ sĩ. Miễn là tôi thích việc tôi đang làm”. “Ông trùm tượng con giống” cho rằng, ở tuổi 50 lấy đâu ra bùng nổ sáng tạo. Giống như con tàu đang chạy vận tốc lớn bị tắt máy vẫn tiếp tục văng xa thêm đoạn nữa theo phản xạ. Dùng kinh nghiệm, sự khôn ngoan đúng chỗ đã là tốt rồi.
Ở vị thế nhà sản xuất sản phẩm điêu khắc tiêu thụ tốt, anh tỏ ra tôn trọng quan điểm tách bạch nghệ thuật thị trường và nghệ thuật đích thực. Nếu chơi nghệ thuật đến độ đam mê, tinh túy nào đấy sẽ cộng thông với rất nhiều người khác. Không tồn tại thứ tinh túy mà chỉ một người thẩm thấu. Càng được nhiều người chia sẻ tính thương mại càng cao.
Họa sĩ Đinh Công Đạt.
Ở tuổi 50, Đinh Công Đạt thổ lộ, tôi phát điên lên vì không đủ thời gian để sống. Trạng thái hưng cảm công việc vượt ngưỡng tới mức rồ dại. Nếu ở Tây, đối tượng như thế có lẽ được chỉ định dùng thuốc an thần. Anh mơ có lúc rảnh rỗi để ngồi vẽ tranh giấy cho thích thôi chứ chẳng để làm gì. Vậy mà chẳng có thời gian.
Khoái cảm bơi như điên trong cả đống áp lực anh vẫn không bỏ nếp sinh hoạt khoa học hợp lý. Tối về nhà tắt điện thoại, tẩy chay TV. Đi ngủ từ 20h, 3h sáng bắt đầu ngày mới. Dậy đọc sách, loay hoay với một tạo hình mới. Đã từ lâu anh không đọc tiểu thuyết, chuyển chú ý sang sách về tài chính xã hội. Đọc với tốc độ siêu tốc, bằng bí quyết chiếu trục giữa trang, anh ngốn 500 trang một đêm. Đạt “rồ” có thể say sưa tranh luận về dòng tiền và cục diện xã hội như nói về một kiệt tác hội họa. Anh dồn sự tâm đắc và năng lượng nhiều như nhau cho những việc trái ngược, miễn là thấy yêu thích. Có thể viết một bài báo thật hay về di sản thủ công lộng lẫy từ quá khứ. Lại có thể bỏ nửa ngày để giải thích cho một cậu bạn thợ may hiểu tại sao tỉ lệ thất nghiệp càng thấp thì xã hội càng kém phát triển. Và ngược lại xã hội càng giàu mạnh tỉ lệ thất nghiệp càng cao.
Học bạ phổ thông thảm họa
Tự nhận mình là người nhuận khẩu, Đạt quả thực có khả năng nói vừa nhanh vừa nhiều, tư duy mạch lạc, phủ sóng rộng mọi thứ chủ đề. Năm lớp hai đã đọc hết bộ tiểu thuyết “Chiến tranh & Hòa bình”, lớp bốn đã kể vanh vách nội dung “Ruồi Trâu”, “Con đường đau khổ”. Đọc hết sách văn học, chuyển sang ngốn ngấu cả sách kỹ thuật trồng rừng, xử lý mối mọt. Đạt khoe, hồi phổ thông mình học rất dốt, việc đọc nhiều chả liên quan. Sau này vào Đại học Mỹ thuật học giỏi, ra làm nghề thành danh rồi nổi tiếng người thân khá ngạc nhiên. Hóa ra, nhiều người giỏi nghề showbiz có học bạ phổ thông thảm họa.
Hết phổ thông, giai phố cổ (Đạt thích phát âm đúng như thế) đi làm thợ chế tác đá quí một thời gian ngắn sau nhập ngũ vào lính pháo cao xạ. 19 tuổi kết nạp Đảng. Xuất ngũ, Đạt xin làm công nhân tại công ty đá quí với mức lương khá cao so với mặt bằng chung. Ngày ngày mang cặp lồng cơm đi làm, anh thợ chạm khắc có chút ngậm ngùi khi gặp đám sinh viên đồng hành cùng chuyến xe buýt. Anh lẳng lặng ôn thi chẳng nói cho ai, tới lúc đỗ khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Hà Nội bố mẹ mới biết.
Ở tuổi 30, Đinh Công Đạt đã gặt hái nhiều giải thưởng và lọt top 10 nhà điêu khắc tài năng bên cạnh những tên tuổi như Đào Châu Hải, Trần Hoàng Cơ, Phan Phương Đông…
Năm 2000, sau khi làm xong một bộ những con sên to đùng chất liệu đồng, silicon, mặc dù được nhiều người khen, nhà điêu khắc trẻ vẫn rơi vào khủng hoảng sáng tác. Anh phát hiện mình hết vốn, không biết đi tiếp ra sao. Tôi gọi điện vào Nam cho anh Nguyễn Quân nói về nỗi hoang mang. Anh Quân bảo: “Chú biết bọn nào không phải hoang mang không? Cái bọn trộn đất với nước nén vào khuôn rồi ném bụp ra viên gạch ấy”.