Huân tước David Puttnam:

Điện ảnh không phải là phương tiện kiếm tiền

TP - Nếu chỉ nghĩ đến cơm áo gạo tiền thì bạn sẽ khó thành công. Bởi điện ảnh không phải dành cho những người làm công ăn lương, nó không phải là phương tiện để kiếm tiền”, nhà sản xuất phim Anh David Puttnam nói.  
David Puttnam (ngoài cùng bên phải) tại hội thảo “Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?”

Đừng ngại vì phim ít tiền

 “Để trở thành nhà làm phim chuyên nghiệp, xuất sắc thì phải đến với nó bằng niềm đam mê mãnh liệt”. Huân tước David Puttnam - Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về thương mại tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar, cựu CEO hãng phim Columbia Pictures,  đồng thời là một nhà sản xuất phim từng đoạt 10 giải thưởng Oscar và nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá khác chia sẻ trong buổi hội thảo “Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?” tại TPHCM vào tối 30/10.

“Các bạn hãy tự tin vào nền điện ảnh của chính mình, hãy mang phim của mình đến các LHP, đừng ngại rằng phim của mình đầu tư ít tiền”.

                Nhà sản xuất phim David Puttnam

Ông cũng nhấn mạnh: “Các bạn hãy tự tin vào nền điện ảnh của chính mình, hãy mang phim của mình đến các LHP, đừng ngại rằng phim của mình đầu tư ít tiền. Đạo diễn giỏi là người có bản lĩnh chọn kịch bản hay, diễn viên xuất sắc cộng thêm kỹ thuật về ánh sáng tốt mà không nhất thiết là phải tốn quá nhiều tiền như mình nghĩ.


Trên thế giới hiện nay có cả hàng nghìn LHP, đừng bao giờ đánh giá thấp các LHP dù chúng lớn hay nhỏ, đây là con đường mở ra để thế giới biết đến chúng ta. Ranh giới trong điện ảnh có thể bị xóa mờ, các tác phẩm có thể vượt ra khỏi biên giới để đến với cộng đồng quốc tế thông qua những thông điệp mà nó chuyển tải. Nhiều bộ phim đã làm được điều này, điển hình như phim Cánh đồng chết. Có thể nhiều người sốc, nhưng tôi không ngại nói rằng tôi thích phim Để Hội tính của Việt Nam.

Đừng tự kiểm duyệt mình


Vị huân tước chia sẻ thêm, điện ảnh không phải là phép màu, bỗng dưng mà sản xuất ra được những tác phẩm hay, kinh điển và chạm vào trái tim của khán giả. Với điện ảnh cũng cần có sự chuẩn bị, sự tập luyện. 

Sáng tạo được ví như  là cơ bắp, mà là cơ bắp thì cần tập thể dục, rèn luyện thường xuyên mới có được sức bật. Làm phim phải nắm vững các giá trị cốt lõi, chạy theo doanh thu nhưng phải gia tăng chất lượng nghệ thuật. Điện ảnh là phải làm cho khán giả ngạc nhiên và phải làm cho chính mình ngạc nhiên thì mới có tác phẩm thành công, mới có những tác phẩm để đời.

Làm nghề này phải biết chịu đựng và bật dậy. Quan trọng nhất, chúng ta nên tin tưởng vào khả năng của chính mình. Để có được sức bật, nền điện ảnh Việt Nam cần biết kiên nhẫn và cả chịu đựng những gì đang diễn ra xung quanh, thậm chí là những điều trì trệ làm cho mình xuống dốc. 

Ngay cả với những câu chuyện về kiểm duyệt, điều đáng sợ nhất chính là sự kiểm duyệt của bản thân. Bạn cứ lo lắng về kiểm duyệt khiến không thể chấp bút làm nên tác phẩm là điều tồi tệ. Những nhà làm phim chuyên nghiệp là người biết vượt qua sự kiểm duyệt bằng sự khéo léo và tinh tế. 

Làm phim phải cho thấy tiếng nói đại diện của thế hệ, phải có sự chân thành, không phản ảnh được xã hội sẽ không kết nối được khán giả. Ông Puttnam cho rằng, nền điện ảnh nào cũng luôn cần sự ổn định, nếu người làm phim hủy diệt sự ổn định ấy, thì đó là điều ngu ngốc.