Bỏ nhiều, bổ sung cũng nhiều
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua 13 năm thực hiện Pháp lệnh Phí và lệ phí có nhiều quy định không còn phù hợp, một số khoản phí trùng lắp với khoản thu khác... Do đó, Bộ Tài chính đề xuất loại bỏ, đưa ra khỏi danh mục 18 loại phí và 12 khoản lệ phí như: Phí bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Phí giám định hàng hóa xuất, nhập khẩu; Phí an ninh trật tự; Phí phòng chống thiên tai; Phí niêm phong, kẹp chì hải quan...
Bên cạnh đó, một số khoản phí có trong danh mục nhưng pháp luật chuyên ngành đã quy định thực hiện theo cơ chế giá nên cần phải đưa ra khỏi danh mục, gồm: viện phí, phí đấu thầu, học phí, phí giám định tư pháp, phí kiểm định đo lường chất lượng...
Tuy nhiên, theo ông Dũng, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành một số luật chuyên ngành, trong đó có quy định thu một số khoản phí, lệ phí nên cũng cần phải bổ sung vào để thực hiện. Do đó, dự thảo luật đề xuất bổ sung 15 loại phí và 9 khoản lệ phí vào trong danh mục như: Phí công chứng (Luật Công chứng), Phí bay qua vùng trời (Luật Hàng không dân dụng), Lệ phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (Luật Cạnh tranh), Lệ phí cấp Giấy phép quy hoạch (Luật Quy hoạch)...
Riêng đối với thuế môn bài, ông Dũng cho biết, hiện đang thực hiện thu theo quy định tại Pháp lệnh Thuế công thương nghiệp. Số thu hàng năm khoảng 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách địa phương. Khi sửa đổi, bổ sung các luật thuế, một số ý kiến đề nghị bỏ thuế môn bài. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội cho rằng đây là nguồn thu ổn định cần bổ sung vào Luật Phí và lệ phí khi trình Quốc hội. Do đó, Ban soạn thảo dự thảo Luật Phí và lệ phí đề nghị bổ sung quy định lệ phí môn bài thu hàng năm vào Danh mục lệ phí.
Nên bỏ thu thấp, chi cao
Tán thành với nhiều đề xuất mà cơ quan soạn thảo nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc rà soát loại bỏ và bổ sung mới một số các khoản phí và lệ phí là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hiển cho hay, khi thẩm tra dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cần tiếp tục rà soát bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí mà có mức thu thấp, chi phí hành thu cao (như Lệ phí hải quan...) nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí hành thu. Đồng thời một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân (như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố...) cũng nên xem xét loại bỏ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị bãi bỏ một số khoản thu thấp, nhưng chi phí thu cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn nói “Không có nước nào lại nhiều danh mục về phí, lệ phí như nước ta”. Ông Giàu đề nghị cần phải quy định và giải thích rõ ràng hơn trong luật để người dân hiểu rõ thế nào là phí và lệ phí. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị phải quy định rõ vào trong luật tất cả khoản thu phí và lệ phí phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, theo quy định thì 100% lệ phí thu được sẽ nộp ngân sách, còn phí thì được trích % để lại một phần cho đơn vị thu sử dụng. “Hiện dự thảo Luật Ngân sách nhà nước đã quy định theo hướng trên nên hoàn toàn phù hợp”, ông Dũng khẳng định.
Không thể cấm thông tin
Ngày 6/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận dự thảo Luật An toàn thông tin. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân ở quốc gia này sử dụng mạng để đánh cắp, phá hủy dữ liệu quan trọng của quốc gia khác. Việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự luật. Thực tế báo chí cũng là thông tin, mạng xã hội, blog cũng là thông tin. Những loại hình này đưa thông tin an toàn, tốt, chính xác nhưng bị đột nhập, lấy cắp, xuyên tạc, sẽ trở thành không an toàn hay tấn công vào người truyền tin, người nhận tin thì luật phải làm rõ trách nhiệm. Ông Hùng cho rằng, hiện nay không thể cấm thông tin được. Điều quan trọng là chúng ta phải có thông tin kịp thời để cho người dân đánh giá thông tin nào đúng, thông tin nào là sai.