Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội?- Bài 5: Nghe tiêu cực nhiều - chưa xử lý được ai

Xe đỗ kín vỉa hè lòng đường phố Quán Sứ. Ảnh: Hà Anh
Xe đỗ kín vỉa hè lòng đường phố Quán Sứ. Ảnh: Hà Anh
TP - Trao đổi với Tiền Phong về thực trạng quản lý lòng đường, vỉa hè, các điểm đỗ xe hiện nay, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Đỗ Hoàng Ân cho rằng khâu xử lý vi phạm còn thiếu quyết liệt. Ông Ân khẳng định lâu nay dư luận về tiêu cực trong lĩnh vực này nhiều nhưng vẫn chưa thấy xử lý được ai.   

Ông Đỗ Hoàng Ân cho biết: Lòng đường, vỉa hè chính là phần quan trọng của bộ mặt đô thị. Nhìn vào việc quản lý lòng đường, vỉa hè, người ta dễ dàng nhận thấy sự văn minh của một đô thị đang ở mức độ nào. Bên cạnh những kết quả đạt được của Hà Nội trong quản lý đô thị, tôi cho rằng vẫn đang còn nhiều tồn tại. Điển hình như tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, trật tự đô thị không được tôn trọng; lòng đường, vỉa hè bị lấn chiếm cản trở sinh hoạt công cộng, ách tắc giao thông, làm mất trật tự an ninh. Đây là lĩnh vực cần phải được đặc biệt quan tâm. 

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng quản lý lòng đường, vỉa hè hiện nay?

-Việc phát hiện và xử lý các vi phạm cho thấy các cơ quan chức năng làm chưa quyết liệt. Hà Nội đã có phân cấp, lòng đường do Sở GTVT quản lý, vỉa hè do các quận quản lý. Tuy nhiên, tôi thấy có biểu hiện là thường thì lúc ra quân ồn ào lên vài hôm rồi sau đó lại xẹp đi! Việc duy trì trật tự lòng đường vỉa hè cần quan tâm hơn nữa. Tôi ví dụ nếu các đồng chí chủ tịch quận, huyện, phường xã, trưởng công an mà chịu trách nhiệm trực tiếp thì tình hình sẽ khác. Muốn làm tốt việc này, cũng cần phải xây dựng ý thức người dân. Ngoài ra, chúng ta phải quản lý theo quy hoạch.

Ông có thể nói rõ hơn giải pháp về quản lý theo quy hoạch, thưa ông?

Ai trục lợi vỉa hè Hà Nội?- Bài 5: Nghe tiêu cực nhiều - chưa xử lý được ai ảnh 1 Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Đỗ Hoàng Ân

Không phải chỉ có tôi nghe mà nhiều người đã nghe dư luận về việc này. Tuy nhiên là việc xử lý những trường hợp móc nối tiêu cực này dường như còn rất ít, đúng ra là tôi chưa được biết đã xử lý vụ nào.

Ông Đỗ Hoàng Ân
-Nếu cứ tùy tiện như hiện nay thì không thể quản lý được. Các đường phố cần sắp xếp lại trật tự kinh doanh, buôn bán. Có thể giao cho chủ tịch các quận, huyện làm. Những tuyến phố nào được kinh doanh, kinh doanh lĩnh vực gì thì công bố công khai. Cho kinh doanh trên vỉa hè dứt khoát phải thu phí và chỉ áp dụng với một số ngành nghề. Khi cấp phép kinh doanh phải xem xét điều kiện về vệ sinh môi trường, nơi đỗ xe.
Với những khu vực lòng đường, vỉa hè rộng thì có thể cho phép sử dụng đỗ xe nhưng phải có quy hoạch rõ ràng. Tuyệt đối các phường không thể vì lợi riêng mà tùy tiện kẻ biển, chăng dây thu tiền làm méo mó đi. Một số khu vực chỉ cho phép kinh doanh, sử dụng vỉa hè theo giờ, ví dụ như bán hàng ăn sáng, có nơi chỉ được bán về đêm chứ không phải phố nào cũng tràn lan hàng ăn uống như hiện nay. 

Hiện có nhiều khu nhà quy hoạch chức năng để ở nhưng lại biến tướng thành thương mại, nhà hàng… đủ mọi chức năng mà vẫn được chấp thuận, cấp phép kinh doanh thoải mái. Đó là phá vỡ quy hoạch. Vì vậy hạ tầng làm sao mà đáp ứng được, làm sao mà có đủ chỗ để xe, xử lý rác thải. Quản lý theo quy hoạch chưa được các ngành chú ý, thậm chí còn làm biến dạng. Không chỉ các khu cũ mà ngay cả các đô thị mới cũng vậy. Dân vi phạm, một số cán bộ lại tiếp tay. Nhà hàng không có nơi đỗ xe thì chỉ có chiếm lòng đường, vỉa hè thôi chứ còn mang đi đâu? Cái này ai cũng biết mà không đấu tranh mạnh mẽ. 

Khi còn làm lãnh đạo thành phố và lúc đã chuyển sang làm Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, ông có nghe dư luận về tiêu cực giữa cơ quan chức năng với các đối tượng, doanh nghiệp vi phạm lòng đường, vỉa hè?

-Không phải chỉ có tôi nghe mà nhiều người đã nghe dư luận về việc này. Tuy nhiên việc xử lý những trường hợp móc nối tiêu cực này dường như còn rất ít, đúng ra là tôi chưa được biết đã xử lý vụ nào. Tôi thấy hiện nay việc xử lý còn hời hợt, chưa đủ mạnh, mức phạt chưa đủ răn đe. Chế tài giám sát việc xử lý làm sao cho công minh cũng còn thiếu dẫn đến xử lý sẽ tùy tiện, vẫn có “cảm tình” trong đó. 

Hiện nay thành phố đang khá vất vả với việc xử lý hàng rong. Nơi thì cấm, nơi thì lại làm ngơ dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thêm nhức nhối. Quan điểm của ông về việc này ra sao?

-Tôi không chấp nhận hàng rong, nhất là trong nội đô. Chúng ta nên tổ chức lại hoạt động này cho văn minh hơn, đảm bảo cuộc sống của người kinh doanh. Trước đây quận Hoàn Kiếm đã thành lập đội tự quản Hồ Hoàn Kiếm, tôi thấy đây là mô hình tốt, thành phố cần xem xét nhân rộng mô hình này. Việc phát triển, quản lý đô thị ngày càng phải khắt khe hơn mới đáp ứng được yêu cầu. Điều kiện kinh tế tốt hơn thì bộ mặt đô thị phải văn minh hơn.

Cảm ơn ông.

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Nghị quyết của HĐND thành phố thông qua năm 2014 đã nêu rõ yêu cầu phải tăng cường xã hội hóa các lĩnh vực cung cấp dịch vụ công ích, các dịch vụ đô thị. Trong đó có việc tăng cường đấu thầu, đấu giá các điểm trông giữ xe nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, minh bạch thu chi và quản lý các nguồn thu của ngân sách.

MỚI - NÓNG