Tuy nhiên, trước câu hỏi “Vậy là ông không hề đạo văn, đạo sách ảnh như người ta tố?”, ông không trả lời mà bảo chờ kết luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
“Nếu tôi dịch thì nhuận bút phải trăm triệu”
Loạt ba bài trên báo Tiền Phong (ngày 6, 7, 8/8) thông tin quanh vấn đề: Một số hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bức xúc việc giải thưởng loại B dành cho tác phẩm Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới, trao năm 2012 bị tố là đạo cuốn Lịch sử nhiếp ảnh của nước ngoài, rằng trên thực tế sách của Trần Mạnh Thường là sách dịch chứ không phải công trình tự viết, tự nghiên cứu. Sáng qua 14/8, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã đến tòa soạn đưa bài viết, đồng thời trao đổi thêm về vụ việc.
Nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường: “Chưa có kết luận của Hội thì tôi sẽ không phát biểu tôi có đạo văn hay không”.
Phóng viên hỏi ông Mạnh Thường, với tư cách người bị các hội viên tố “đạo văn”: Rốt cuộc, cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới do ông đứng tên tác giả, một cuốn in năm 1999 và một in năm 2009, là do ông viết hay biên dịch theo sách nước ngoài? Việc ông bị tố đạo văn có oan không? Kể từ khi bị tố đến nay, Hội NSNA Việt Nam đã mấy lần trao đổi với ông về vụ việc và có hướng giải quyết gì?
Ông Mạnh Thường khẳng định, cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới do ông tự viết, không phải sách dịch. Ông cũng nói: “Chưa từng nói với ai rằng NXB đã tự ý bỏ chữ “biên dịch” ở phần đầu sách. Ông Vũ Đức Tân nói trên Tiền Phong rằng tôi phát biểu NXB tự ý bỏ chữ “biên dịch” là không đúng”. “Nếu tôi dịch thì nhuận bút còn lớn hơn nhiều, phải hàng trăm triệu đồng chứ không phải là thấp như tự viết đâu”- ông Thường nói.
Ông Mạnh Thường cho biết, ông không bàn đến nội dung tố ông đạo văn trong các bài in Tiền Phong vừa qua, mà chỉ phàn nàn về hai chi tiết trong bài của hội viên Nguyễn Ngọc Phan (TP ngày 6/8). Một là, bài báo nói ông bị NSNA Chu Chí Thành tố đạo văn mà vẫn ngồi im chịu trận là không đúng. Lúc đó ông Thành phản ứng việc Hội trao giải cho ông Thường (ngay trước mặt ông Thường) nhưng “anh ấy không hề chất vấn trực tiếp tôi nên tôi không trả lời. Mà có chất vấn trực tiếp tôi cũng không trả lời, vì phải có văn bản, chứ lời nói gió bay”. Thứ hai, ông khẳng định bài của Nguyễn Ngọc Phan nói “các bức ảnh minh họa cuốn sách của Trần Mạnh Thường cũng lấy từ cuốn sách tiếng Đức” là sai. Theo ông Thường, cuốn in năm 2009 (NXB Sân khấu) “không hề có bức ảnh nào”. Tuy nhiên, ông thừa nhận cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới in năm 1999 (NXB Văn hóa Thông tin) do ông đứng tên tác giả thì có in ảnh, và thừa nhận “Ảnh cuốn in năm 1999 không những giống cuốn sách tiếng Đức mà giống cả bản tiếng Anh”. Theo ông Thường, cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh tiếng Đức xuất bản sau bản tiếng Anh, tuy vậy “tôi không hề biết mặt mũi cuốn tiếng Đức này”.
Hỏi ông Thường, Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới không hề nói có tham khảo tư liệu nào của nước ngoài, như vậy ông tự tay viết nên lịch sử nhiếp ảnh thế giới hoàn toàn? Ông nói, vì cuốn in lần đầu, 1999, ông đã đề là tham khảo tạp chí của Đức rồi, nên cuốn thứ hai không đề nữa (!!!). Song song đó, ông lại nói, hai cuốn sách của ông, cùng một tên gọi và in cách nhau chục năm với các NXB khác nhau, thực chất nội dung không hề giống nhau, không liên quan. Trong khi đó, nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành lại nói hai cuốn sách giống nhau về nội dung. Ông Thường đề nghị phóng viên: “Không bàn đến cuốn in năm 1999 nữa vì người ta chỉ kiện tôi ở cuốn thứ hai, khi nó được giải thưởng của Hội”. Còn NSNA Chu Chí Thành lại có quan điểm đã truy thì phải truy tận gốc, vì ông Thường đã hai lần “lập lờ lừa Hội”.
2 trang ảnh trong cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới của Trần Mạnh Thường, in lần đầu năm 1999 (NXB Văn hóa Thông tin).
“Tôi dại gì mà đi kiện, nhưng phải lên tiếng”
Như Tiền Phong đã thông tin, sau hơn 3 năm chìm xuồng, vu Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới bị xới lại khi tháng 3 năm nay, một hội viên Hội NSNA Việt Nam bị khai trừ khỏi Hội. Cựu Chủ tịch Hội- Chu Chí Thành và một số hội viên đặt lại vấn đề “đạo ảnh bị khai trừ, thế còn đạo văn?”.
Ngày 19/3/2015, Hội NSNA gửi công văn yêu cầu NSNA Chu Chí Thành gửi đơn khiếu kiện về nội dung sau: NSNA Trần Mạnh Thường đạo sách của ai, từ cuốn nào, đề nghị cung cấp bản in sách chính thức, và “Hội NSNA nhận được đơn khiếu kiện sẽ thành lập tổ công tác” để thẩm tra.
Ngày 13/4/2015, NSNA Chu Chí Thành đã gửi đơn đề nghị (chứ không phải khiếu kiện) hồi đáp lãnh đạo Hội, trong đó nói rõ sách của ông Thường đã “lấy toàn bộ chương mục, ảnh trong cuốn Lịch sử Nhiếp ảnh (Geschichte der Photographie) của tác giả Beaumont Newhall, được NXB Chirmer/Mosel, CHLB Đức ấn hành lần đầu năm 1982 làm sách của mình với tên Lịch sử Nhiếp ảnh Thế giới”.
Về tài liệu gốc - cuốn tiếng Đức, ông Thành cũng sẵn sàng cung cấp: “Hội hãy cử người đến tôi ký mượn sách, cam kết không đánh mất tài liệu. Vì mất sách sẽ là cái cớ trì hoãn vụ việc”.
NSNA Chu Chí Thành nói: “Tôi dại gì mà đi kiện! Có liên quan gì đến quyền lợi của tôi đâu. Nhưng thấy sự việc sai trái thì phải lên tiếng, cảnh báo Hội. Mà tôi đã lên tiếng từ lâu. Năm 1999 chúng tôi không có thông tin nên mới tài trợ cho cuốn sách của anh Thường. Đến năm 2012 có thông tin rồi, chúng tôi báo ngay cho Hội đồng xét giải là không nên trao, nhưng vẫn cố tình trao. Hồi tôi làm lãnh đạo Hội, thấy có phản ánh là phải cho xác minh ngay. Công văn ông Vũ Quốc Khánh (Chủ tịch Hội đương nhiệm) ký, hành xử không đúng, yêu cầu tôi gửi đơn khiếu kiện, nếu có khiếu kiện mới lập tổ công tác. Thế là xúi hội viên kiện nhau à!?”.
Chờ đợi gì?
Qua bài ngắn phản hồi đến Tiền Phong và qua trao đổi, có thể thấy chứng lý NSNA Trần Mạnh Thường đưa ra là: “Anh tố tôi, vậy thì anh phải đưa tài liệu ra chứng minh, và Hội phải đứng ra thẩm định, còn không thì đừng nói chuyện thu hồi giải thưởng”. Hỏi, bị tố đạo văn hết lần này lần khác ở chốn nghề nghiệp, có rất đông đồng nghiệp, rồi lên mặt báo (nhiều báo, từ mấy năm trước) lẽ ra người bình thường nào cũng phải nhảy dựng lên chứ”, ông Thường đáp: “Tôi làm gì cũng theo tổ chức, tổ chức chưa kết luận thì tôi chưa phát biểu! Tôi không tự ý trả lời hoặc viết báo như người khác”.
Còn NSNA Chu Chí Thành bức xúc: 4 tháng đã trôi qua kể từ ngày ông hồi đáp công văn của Hội và yêu cầu “công tâm làm sáng tỏ vấn đề”, mọi việc vẫn im ắng. Trong khi có những hội viên biết tiếng Anh và tiếng Đức, sẵn sàng tham gia nhóm thẩm định để phân xử vụ việc. Kể cả Chủ tịch Hội- Vũ Khánh cũng biết tiếng Đức.
Người bị tố bảo, đang nóng lòng chờ hội đồng thẩm định, chưa có việc này thì sẽ không đời nào tuyên bố mình có đạo văn hay không “Tôi phải khôn chứ”. Bên tố cũng yêu cầu lập ngay hội đồng thẩm định, vì tài liệu và nhân sự đều có đủ. Vậy thì Hội NSNA còn chờ gì nữa mà không giải quyết vụ việc lùm xùm bao năm? Hay là, nói một cách hài hước, còn phải có cả hòa nhạc nữa thì mới động tay động chân?