Học biên kịch - đạo diễn ở Canada, sống ở Mỹ và về Việt Nam làm phim. Anh có thể nói thêm về lựa chọn này?
Điện ảnh Việt Nam là nền điện ảnh trẻ, tôi mong muốn học xong có thể làm phim tại Việt Nam. Sở dĩ thời gian qua tôi cứ đi-về, bởi ở Mỹ cho phép tôi nghiên cứu kỹ hơn tác phẩm văn học có khả năng chuyển thể điện ảnh, có thời gian lắng đọng đọc tác phẩm và chiêm nghiệm, tìm cách kể câu chuyện đó ra sao.
Được đào tạo ở nước ngoài, có trong tay một số tác phẩm điện ảnh, anh tự thấy đâu là chất riêng của Cường Ngô?
Chất lãng mạn. Tôi là người nhạy cảm, thích làm phim thiên về thân phận con người. Tôi thấy thú vị, muốn đào sâu những mối quan hệ giữa con người với nhau, mẹ - con, những mối quan hệ trong xã hội. Hương Ga là phim về giang hồ, thì người giang hồ cũng có khát khao được sống, yêu và hướng thiện.
Chất Việt trong phim của tôi khá rõ qua hình ảnh, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, cách dùng âm nhạc. Tôi sử dụng khá nhiều nhạc giao hưởng, có lúc pha trộn giữa Đông-Tây, để ra tác phẩm có hơi hướng Á Đông.
Học cách làm phim Mỹ, về Việt Nam làm phim có bị “khớp” không?
Bên Mỹ có hai môi trường làm phim, theo hiệp hội hoặc độc lập. Những người trong hiệp hội có công việc thường xuyên, vì họ làm phim cho Hollywood. Những người làm phim độc lập tự do hơn, thuê mướn nhau để làm việc.
Ở California, nhất là thành phố điện ảnh Los Angeles, môi trường làm phim độc lập phát triển mạnh. Đi tới nhà hàng nào bạn cũng có thê bắt gặp người ta đang đọc kịch bản - có thể là người phục vụ trong nhà hàng, hoặc người mẫu chờ cơ hội làm phim.
Thị trường Mỹ quá cạnh tranh, những người tài năng sẽ trội lên. Tôi học được môi trường làm phim độc lập, áp dụng khi về Việt Nam làm phim. Nhiều hãng phim tư nhân, phong cách làm phim độc lập phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, tìm kiếm chất liệu tác phẩm văn học, kịch bản cũng khá dễ dàng. Đó là điều làm tôi thích thú.
Nghe nói nhà văn “Phiên bản” khá sốc khi xem tác phẩm chuyển thể “Hương Ga”?
Trước khi được khán giả Việt Nam biết đến, Cường Ngô làm một số phim ngắn ở Canada. Cây trâm vàng, phim tốt nghiệp của anh, dự khoảng 30 LHP quốc tế, sau đó được HBO mua lại chiếu ở Mỹ, Canada. Phim được trao giải phim hay nhất về đề tài đồng tính tại LHP Toronto năm 2009.
Nguyễn Đình Tú là nhà văn trẻ có lối suy nghĩ sáng tạo. Lần đầu coi phim xong, anh ấy bị sốc, nói với tôi rằng, phim khác truyện rất nhiều. Tác phẩm văn học chuyển tải sang điện ảnh rất khó.
Thật khó khi chỉ có 90 phút để kể về cuộc đời của ai đó, tôi chỉ lấy những gì hay và thú vị nhất, cùng sự sáng tạo của biên kịch. Lần thứ hai Nguyễn Đình Tú xem lại, có đánh giá bình tĩnh hơn, trân trọng sự sáng tạo của cả ê kíp, trong đó có cả ngôn ngữ nhân vật có phần đời hơn, hiện đại hơn để hấp dẫn khán giả trẻ. Tôi cho rằng, không nên so sánh tác phẩm văn học và điện ảnh.
Nhiều người có vẻ không bằng lòng, vì cứ ngỡ “Hương Ga” nói về bà trùm khét tiếng Dung Hà. Anh thấy sao?
Tác phẩm của Nguyễn Đình Tú đã tưởng tượng hóa Hương Ga rồi. Dung Hà chỉ là một phần trong đó, lấy phần đời cô ta từ Bắc vào Nam thôi. Tôi không làm phim về Dung Hà, nếu như thế tôi sẽ không chọn chuyển thể Phiên bản.
Có người nhận xét Hương Ga chưa đủ ác. Tôi xây dựng một cô gái muốn hướng thiện, nhưng bị hoàn cảnh đưa đẩy không thể thoát khỏi vòng xoáy. Khi tay nhúng chàm thì không thể rửa sạch.
Có vẻ phim này theo mô típ hành động Mỹ, chỉ mạnh giải trí, ít lắng đọng?
Đạo diễn làm phim luôn có nhiều ước muốn, có nhiều giây phút lắng đọng hơn. Hương Ga là phim thử thách, kể cuộc đời một cô gái ngây thơ cho đến bị đẩy vào dòng đời thành giang hồ khét tiếng, rồi chết.
Tuy nhiên, phải cắt xén quá nhiều để tiết tấu nhanh hơn. Khán giả Việt quá quen xem phim Hollywood, phim này tôi dựng theo phong cách hành động Mỹ, cứ ba giây phải chuyển cảnh, để thị giác không nghỉ và khán giả bị cuốn vào câu chuyện.
Điều tiếc nuối của tôi là có nhiều cảnh tâm đắc, lắng đọng mà tôi tốn công sức, tiền bạc dựng lên buộc phải bỏ: Cảnh xây dựng hoàn cảnh sống của Hương Ga trong quá khứ, hay tình yêu của Hương Ga với Hưng Mã cũng bị cắt gần hết, cảnh trong song sắt.
Nhiều chương trong tác phẩm rất hay nhưng không thể kể trên phim, vì bạo lực rùng rợn, tình dục cũng gay cấn, kinh khủng. Coi xong phim nào cũng vậy, cứ ước nó phải thế này thế khác. Nếu thời gian, ngân sách cho phép, tôi ước mơ được dựng lại bộ phim theo cách đã quay, tưởng tượng.