Dân chưa tin vào nhà máy xăng sinh học

TP - Từng là nhà máy cồn Ethanol lớn nhất nước, nhưng chỉ sau hai năm hoạt động, nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) phải đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Hậu quả để lại không chỉ là nợ nần, cuộc sống của hàng trăm công nhân, người dân rơi vào bế tắc.
Mặc dù nhà máy xăng sinh học đi vào sản xuất lại, nhưng hàng trăm lao động và người dân huyện Đại Lộc vẫn bất an. Ảnh: Thanh Trần

Kỳ vọng rồi thất vọng

Năm 2007, Công ty Cổ phần Đồng Xanh bắt tay vào xây dựng Nhà máy cồn ethanol Đại Tân với vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Nhà máy có diện tích 17ha, với công suất khoảng 125 triệu lít xăng/năm, thời điểm đó, đây là nhà máy cồn ethanol lớn nhất nước. Tháng 9/2009, nhà máy cho ra đời mẻ xăng sinh học đầu tiên, người dân Đại Lộc háo hức vì củ sắn thành nguyên liệu làm xăng.

Bà Võ Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đại Lộc, nói: “Ngay từ ngày khởi công, người dân toàn huyện đặt rất nhiều kỳ vọng vào nhà máy xăng sinh học này. Trên vùng đất khô cằn, nhà máy mọc lên như là dấu hiệu sinh sôi của việc làm, kinh tế. Khi đi vào hoạt động, nhà máy đã thu hút 290 công nhân địa phương vào làm việc, với mức thu nhập ổn định. Ngoài ra, nhà máy còn thu mua sắn của bà con địa phương và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum… làm nguyên liệu”.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, nhà máy ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ, số tiền nợ các ngân hàng (BIDV Quảng Nam và Techcombank Đà Nẵng), nợ tiểu thương cung cấp sắn và lương công nhân hàng trăm tỷ đồng. Riêng tiền lương công nhân hơn 7,5 tỷ đồng và BHXH gần 4 tỷ đồng. Nợ dai dẳng suốt từ cuối năm 2012 đến năm 2015, nhiều lần nhà máy này bị các chủ nợ “phong tỏa” để đòi nợ. Sau khi có thông tin BIDV được phép phát mại nhà máy để thu hồi nợ, người trồng sắn, công nhân lại càng “sốt vó” vì không biết đòi nợ từ đâu.

Ông Phan Hành, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đại Lộc, cho biết: “Khi đơn vị định giá của Bộ Tài chính tính toán công nợ, thì doanh nghiệp chỉ đưa khoản nợ nguyên liệu và vật liệu xây dựng nhà máy vào công nợ để thanh toán mà không đề cập khoản nợ lương của công nhân, do vậy đến nay số tiền lương của công nhân vẫn chưa trả được”. Bà Võ Thị Hồng Nhung, nói: “Phòng liên tục làm báo cáo, đề nghị gửi lên các cấp để tìm hướng giải quyết nợ lương cho công nhân nhưng tới nay câu trả lời vẫn bỏ ngỏ”.

Ông Phạm Bảy (xã Đại Tân) nói: “Tui làm công nhân lò hơi, con trai làm kỹ sư, cả hai cha con đều bị nợ ba tháng lương và BHXH. Thời gian đầu, chúng tôi còn hy vọng để đòi nợ, nhưng giờ mệt mỏi quá, coi như mất trắng cho khỏe”. Cũng như ông, rất nhiều công nhân, kỹ sư địa phương rơi vào cảnh thất nghiệp, quay về với công việc đồng áng khi nhà máy ngừng hoạt động.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho hay: “Khi nhà máy được xây dựng, người dân xã Đại Tân trồng 70 ha sắn nguyên liệu.  Thấy đầu ra ổn định nên huyện khuyến khích bà con  tiếp tục trồng. Không ngờ có ngày bà con phải bán tháo cho thương lái và chuyển hết sang trồng keo, mè … ”.

Có việc làm, vẫn bất an

Tháng 6/2015, Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Tùng Lâm (Hà Nội) đã mua lại và sửa chữa, nâng cấp đưa nhà máy vào hoạt động.

Ông Phạm Văn Tĩnh, Giám đốc điều hành, cho biết: “Nhà máy hoạt động với công suất 1.000 tấn/năm, sử dụng 170 lao động, trong đó 80% lao động địa phương. Nhà máy cũng sử dụng lại hầu hết các cán bộ quản lí, kỹ sư từng làm việc trước kia, riêng đội ngũ công nhân trước đây được ưu tiên trong quá trình phỏng vấn tuyển dụng. Sắp tới đây, nhà máy sẽ khuyến khích người dân trồng khoai, sắn trên diện rộng để cung cấp nguyên liệu đầu vào”. Ông Tĩnh trước là cán bộ của nhà máy cồn ethanol do Công ty Cổ phần Đồng Xanh làm
chủ đầu tư.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho hay, nếu nhà máy có nhu cầu về nguyên liệu tại địa phương thì chính quyền sẽ khuyến khích người dân trồng khoai, sắn. Tuy nhiên dân chưa thật tin để tái trồng sắn.

Theo ông Phan Hành, việc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại nhà máy là biện pháp tốt để khôi phục lại nhà máy xăng sinh học, đồng thời giải quyết việc làm cho người dân địa phương.