Đà Nẵng: Dự án, đất đai, đụng đâu cũng vướng

TP - Ngày 10/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX tiếp tục phiên thảo luận chung và chất vấn lãnh đạo TP. Vấn đề sai phạm trong quản lý đất đai cùng những vướng mắc hậu kết luận Thanh tra Chính phủ được các đại biểu dành thời gian nhiều nhất.
Dự án nhà hàng và bến du thuyền trên sông Hàn liên quan đến Vũ “nhôm”, Đà Nẵng đang kiến nghị thu hồi

Đại biểu Lê Xuân Hòa (quận Sơn Trà) nêu lại việc, từ năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Đà Nẵng thực hiện 5 nội dung về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Theo đó, việc thực hiện theo kết luận trên đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do pháp luật về đất đai thay đổi qua từng thời kỳ, nhất là sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Trong khi đó, trên thực tế, nhiều dự án được triển khai trong một thời gian dài, nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng, chuyển đổi dự án nhiều lần. Vì vậy việc xác định chủ thể thực hiện nghĩa vụ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hòa cho rằng, việc thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận và đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, tới tiến độ dự án cũng như dòng vốn đầu tư, tốc độ phát triển của thành phố. Theo ông Hòa, thành phố cần thống nhất quan điểm xử lý.

Đại biểu Phạm Tấn Xử đặt câu hỏi liên quan đến dự án tại làng Vân chậm triển khai. Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Dự án khu nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp làng Vân, đã giao chủ đầu tư từ năm 2010 với diện tích 1.565ha. Dự án đã điều chỉnh nhiều lần, trong đó đến năm 2016 điều chỉnh xuống còn 1.000ha. Chủ đầu tư đã nộp 200 tỷ đồng cho thành phố. Hiện nay, dự án vướng mắc chính là cơ cấu sử dụng đất. Nhà đầu tư đề nghị cho phép sử dụng cơ cấu đúng như quyết định trước đây phê duyệt là 100ha đất ở và 200ha đất thuê. Tuy nhiên theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì đây là đất thương mại dịch vụ. UBND đang giao Sở Xây dựng làm việc với nhà đầu tư để xử lý vấn đề này.

Riêng khoản nộp 200 tỷ theo đề xuất của Sở TN&MT, thành phố đang xem xét đây như tiền tạm nộp. Đồng thời cho vận dụng để coi như đây là quyết định giao đất để xác định giá đất năm 2016 trong phần diện tích đã giải phóng mặt bằng. Phần còn lại phải xác định theo giá đất thực tế. “Thời điểm 2013, thành phố đã nhận của nhà đầu tư 200 tỷ phục vụ đầu tư xây dựng trên địa bàn và thành phố chưa giao đất trọn vẹn. Do đó, hiện nay, phải làm lại theo đúng quy định mà Bộ TN&MT kiến nghị”, ông Dũng nói.

Liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, ông Dũng cho hay, hiện Sở Xây dựng đang hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch để thành phố phê duyệt . Vướng mắc chính của dự án này là chưa có quyết định giao đất theo Luật Đất đai 2013 và vướng tiền chủ đầu tư đã nộp. “Thành phố đã thống nhất đề xuất tiền doanh nghiệp đã nộp được xem là tiền tạm nộp. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép coi chủ trương giao đất của thành phố, hợp đồng của công ty quản lý khai thác đất và chủ đầu tư tương đương như quyết định giao đất. Nếu xử lý được việc này, chúng ta sẽ xử lý được tiền tạm nộp cũng như tính tiền đất theo thời điểm giao đất”.