Trận đầu và mãi mãi - Kỳ 2:

Cuộc chiến 'kiến đấu voi'

TP - Cuộc chiến đấu giữa cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc với 2 biên đội tàu sân bay gồm 40 chiếc cùng hàng ngàn binh lính Mỹ ngày 5/8/1964 thực sự là một cuộc “kiến đấu voi” . 

Một bên là vũ khí thô sơ và lòng dũng cảm với ý chí quyết tâm đánh giặc đến cùng, một bên là vũ khí hiện đại tối tân với đội quân thiện chiến nhà nghề được trang bị từ chân đến răng. Cuộc chiến đấu giữa cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam, quân và dân miền Bắc với 2 biên đội tàu sân bay gồm 40 chiếc cùng hàng ngàn binh lính Mỹ ngày 5/8/1964 thực sự là một cuộc “kiến đấu voi”

Trận đánh lịch sử

Cho đến bây giờ non nửa thế kỷ kể tư sự kiện ngày 2 và 5/8/1964 xảy ra, nhưng ông Lê Duy Khoái, nguyên là Đại úy tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 135 trực tiếp đánh đuổi tàu Maddox không thể nào quên những giờ phút khốc liệt, sống mái với quân thù. Câu chuyện cách đây 50 năm về trước vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông. 

“Tuy giặc Mỹ có máy bay tầm xa, tàu chiến hiện đại, nhưng không đánh thắng được ý chí gan góc kiên cường và chiến thuật, cách đánh sông biển độc đáo của Hải quân mình. Qui luật của chiến tranh là mạnh được yếu thua, nhưng phần thắng không phải lúc nào cũng thuộc về kẻ mạnh. Bộ đội Hải quân và nhân dân Việt Nam quyết đánh Mỹ và thắng Mỹ ngày ấy không phải chúng ta có vũ khí hiện đại hơn họ, mà chúng ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm và không bao giờ bị khuất phục trước mưu đồ xâm lược của Mỹ”, ông Khoái khẳng định.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thăm cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 171, sau khi các lực lượng của Trung đoàn bắn rơi máy bay địch trong trận đánh ngày 5/8/1964. Ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu

Diễn biến trận đánh lịch sử ngày 2/8/1964 được ông Khoái kể lại: Khi phân đội 3 đang mải miết luyện tập trên vùng biển Đông Bắc thì nhận được lệnh: lắp ngư lôi và di chuyển từ Vạn Hoa (Quảng Ninh) vào Hòn Nẹ (Thanh Hóa) để phục kích, đón đánh tàu khu trục Maddox. Phân đội 3 bấy giờ gồm ba tàu 333, 336, 339. Trung úy Nguyễn Xuân Bột làm phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng tàu 333. 

Rạng sáng 2/8/1964, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhưng thật không may, khi ấy trời động. Gió mùa đông bắc, sóng cấp 4, cấp 5 đã khiến cả 3 tàu 333, 336, 339 phải mất hơn tám giờ đồng hồ mới hoàn thành chặng đường 100 hải lý, gấp đôi thời gian so với dự kiến. Tới Hòn Nẹ, phân đội 3 lại nhận lệnh hành quân ngay vào Hòn Mê. 

“Khi phát hiện tàu lạ ở phía Nam Hòn Mê, tôi phán đoán: Có khả năng tàu khu trục của Mỹ. Đúng như phán đoán, bởi sóng radar báo về cho thấy “tàu lạ” hình dạng trùng với hình dạng tàu Maddox phát hiện ở đèo Ngang, Quảng Bình trước đó. Đúng10 phút sau, cả tàu chúng tôi nhổ neo hành quân”. Ông Khoái kể.

Trên tàu 333, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh đội hình chạy cách nhau 50m, chiến sĩ radar Nguyễn Văn Luyện tiếp tục bám sát mục tiêu, mỗi phút báo cáo một lần. Nhận thấy có ba tàu tốc độ cao đang tiếp cận, tàu Maddox cũng tăng tốc và chạy ra xa hướng về cửa Ba Lạt. Phát hiện có “đuôi” bám theo, tàu Maddox bắt đầu dùng pháo lớn bắn dữ dội. Toàn phân đội tàu của ta chuyển từ đội hình hàng dọc sang đội hình tránh pháo bậc thang phải, bậc thang trái. Vùng biển mịt mù khói súng. 

Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc để chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi cho hai tàu 336 và 339 tấn công. Tiếp cận được góc mạn tàu địch thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Đúng lúc đó trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay địch tập kích. Chúng điên cuồng bắn phá. Một quả bom bắn trúng khoang máy chính của tàu 339 làm hỏng máy và bốc cháy. Vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc vừa ngoan cường đánh trả bằng súng 14,5mm và súng trung liên. Tàu Maddox của Mỹ điên cuồng nhả đạn cấp tập vào đội hình tác chiến của 3 tàu ta. Một quả đã rơi trúng vào tàu 336. Thuyền trưởng Phạm Văn Tự trúng đạn hy sinh, thuyền phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù bị thương vẫn chỉ huy điều khiển tàu chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Lúc này tàu 333 đang chạy với tốc độ 36 hải lý/giờ, liền tăng tốc 42 hải lý/giờ, mở góc mạn ra ngoài biển. Tình hình thật nguy cấp. Cột ăngten của tàu bị pháo đánh gục, không thể báo cáo được lên cấp trên. Quả ngư lôi trái cũng trúng đạn, tuột xuống biển. Tàu bị lệch hẳn một bên vì chỉ còn duy nhất quả ngư lôi bên phải. “Còn cách tàu địch khoảng 8 liên”. Đại úy Khoái ra lệnh: “Phóng!”. Lúc đó Trung úy Bột muốn cho tàu tiếp cận gần tàu địch hơn cho chắc nên đã hạ lệnh tàu tăng tốc tối đã 52 lý/giờ. Máy trưởng của tàu báo cáo nếu tàu chạy tốc độ nhanh hơn máy sẽ vỡ, nhưng Đại úy Khoái vẫn lệnh tăng tốc. Tàu 333 cách tàu Maddox 6 liên, 5 liên, rồi 4 liên… Đại úy Khoái hô to “chuẩn bị”, anh em đồng thanh hô theo đầy khí thế, “bắn”. Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi. Cả tàu gần như ngừng thở. Tàu Maddox vội vã xoay mũi tránh. Một tiếng nổ từ phía Maddox ầm vang mặt biển.

Sự kiện “Vịnh bắc bộ”

Ngay sau khi tàu Maddox bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta, đêm mồng 4 rạng sáng 5/8, chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc bộ” vu khống hải quân Việt Nam tấn công tàu Mỹ trên vùng biển quốc tế để lấy cớ thực hiện kế hoạch “mũi tên xuyên” đã được vạch ra từ trước. Mỹ sử dụng tối đa lực lượng không quân của hai biên đội tàu sân bay hòng tiêu diệt lực lượng hải quân trong ngày 5/8/1964.

Dân quân phường Nam Ngạn Thanh Hóa tiếp đạn cho tàu hải quân tiêu diệt máy bay địch ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu

Ngay trong ngày 5/8/1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống như sử dụng lực lượng của hai biên đội tàu sân bay Constellation và Ticonderoga gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A4D, F8U, F4H…bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên “Hành quân Pierce Arrow” (Mũi tên xuyên), đánh phá vào hầu hết các Căn cứ Hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); từ Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta trong ngày 5/8/1964 và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn. 

Tại Cửa Hội (Nghệ An), địch đã sử dụng 8 máy bay lao vào ném bom. Các tàu của Phân đội 5 và Phân đội 7 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả địch. 

Tại Cửa Ròn và Cảng Gianh (Quảng Bình), một tốp máy bay Mỹ gồm 8 chiếc lợi dụng sự che khuất của núi từ phía Tây đã lao đến oanh tạc. Tàu đo đạc 527 và Tàu 181, Tàu 183 (Phân đội 7); Tàu 173, Tàu 175, Tàu 177 (Phân đội 6) phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ địa phương anh dũng đánh trả các đợt không kích của địch, bắn cháy 1 máy bay và bắn bị thương 1 chiếc khác. 

Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), hai Tàu phóng lôi 333, 336 vừa chiến đấu đánh đuổi Tàu khu trục Maddox ngày 2/8 trở về cùng ba tàu tuần tiễu 130, 132, 146 tập kết ở vùng biển Lạch Trường khi được lệnh chiến đấu đã phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác, lập chiến công đầu trên vùng biển Thanh Hóa. 

Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy một tốp 8 máy bay vừa lao xuống ném bom đã bị các Tàu 122, 124, 134, 144 thuộc Khu Tuần Phòng 1 và Căn cứ Hải quân Bãi Cháy phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái, Trung úy I. Anvơret.

Sau trận đánh ngày 5/8, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp gặp gỡ khen ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng của ba tàu 333, 336, 339 “Các đồng chí đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng, của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí sẽ cổ vũ đồng bào và chiến sĩ cả hai miền Nam, Bắc anh dũng tiến lên đánh giặc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà”.

Đại tá Hoàng Kim Nông, nguyên là chiến sĩ hàng hải tiếp đạn trên tàu 187 nhớ lại: “Ngay sau khi tàu Maddox bị thương, chúng điên cuồng chống phá, khiêu khích. Tất cả vùng biển từ Cửa Hội và Thành phố Vinh đến Cửa Ròn, Cảng Sông Gianh, Quảng Bình, vùng biển Lạch Trường, Thanh Hóa chúng đều rải bom hòng tiêu diệt tàu ta. Nhưng với tinh thần tự vệ, chiến đấu, bộ đội hải quân cùng nhân dân địa phương đánh cho địch đòn bất ngờ tạo bàn đạp để đánh các trận tiếp theo, đồng thời khẳng định nghệ thuật cách đánh sáng tạo của Hải Quân Việt Nam trên chiến trường sông biển”.

Đón đọc kỳ cuối

50 năm sau kể từ trận đánh trên biển năm 1964, cựu chiến binh Đại tá Hoàng Kim Nông nguyên là chiến sĩ pháo thủ tiếp đạn nhớ như in những phút giây kiên cường nhất. Ông bảo “đó là những ngày hoa lửa đẹp đẽ của cuộc đời tôi. Bây giờ không được vùng vẫy trên biển nước, nhưng trận đánh tàu địch ngày 2 và 5/8 không thể nào quên”.