Cử tri “xót của” với những dự án thua lỗ nghìn tỷ

TPO - “Nhân dân chúng tôi kiếm được vài triệu đồng, thậm chí chỉ vài trăm nghìn đồng đã rất lớn, trong khi mỗi nhà máy đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng?”, cử tri Nguyễn Sỹ Thu (Thanh Hóa) bày tỏ bức xúc về những dự án thua lỗ với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.
Cử tri Nguyễn Sỹ Thu (phải) bức xúc với sự lãng phí tại các dự án nghìn tỷ đồng.

Ngày 29/6, đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hoá do Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dẫn đầu đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh và huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.

Xử lý sao những nhà máy nghìn tỷ thua lỗ? 

Sau khi nghe thông báo kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri đã có nhiều kiến nghị gửi tới các Đại biểu Quốc hội, như: Kiến nghị liên quan tới chống tham nhũng, lãng phí; chính sách người có công với cách mạng; giải quyết việc làm, chính sách bảo hiểm y tế, đầu tư xây dựng nông thôn mới…

Cử tri Nguyễn Sỹ Thu (71 tuổi, thương binh 1/4, ở khu phố Xuân Điền, Thị trấn Bến Sung, Như Thanh) đưa ra kiến nghị liên quan tới phòng chống tham nhũng, lãng phí; bộ máy nhà nước cồng kềnh và chính sách với người có công. 

Theo ông Thu, những năm qua còn nhiều việc làm, dự án đầu tư chưa thiết thực, gây lãng phí. Đặc biệt những nhà máy đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng nay thua lỗ như Xơ sợ Đình Vũ, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên… “Nhân dân chúng tôi kiếm được vài triệu đồng, thậm chí chỉ vài trăm nghìn đồng đã rất lớn, trong khi mỗi nhà máy đã lỗ hàng nghìn tỷ đồng?”, ông Thu nói.

Ông Thu đặt hàng loạt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội, tại sao các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng như vậy? Đằng sau những lãng phí đó có gì không? Lãng phí như vậy có quy trách nhiệm để xử lý tổ chức, cá nhân không? “Các đại biểu Quốc hội cần làm rõ. Chống lãng phí cần song hành với chống tham nhũng”, ông Thu gửi gắm. 

Về bộ máy hành chính, ông Thu kể, trước đây ông làm cán bộ xã chưa có máy móc gì nhưng xử lý công việc chỉ nửa ngày. Nhưng nay cán bộ có đủ loại máy móc, thiết bị nhưng làm mãi không xong. “Cần sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm bộ máy, không thể để cán bộ lên ngồi nhìn nhau không làm gì. Chúng ta nói nhiều về tinh giảm bộ máy, nhưng bộ máy cứ ngày một phình ra, teo lại ngày càng khó”, ông Thu nói. Và ông gợi ý, những cơ quan, đoàn thể có chức năng như nhau có thể hợp nhất, như tuyên giáo và văn hoá… 

Với các chính sách chăm lo cho người có công, ông Thu kể, những năm 70-80, khi ông đi xe chỉ cần đưa thẻ thương binh là được ưu tiên lên trước. Nhưng mới đây ông đi khám sức khoẻ phải xếp hàng đợi vài tiếng đồng hồ, trong khi ông chỉ có một chân. Ngoài ra, có những người trước đây đi chiến đấu xong xuất ngũ với chế độ bệnh binh, về hưởng trợ cấp chỉ 2 triệu đồng mỗi tháng, trong khi nhiều người công tác trong thời bình nay về hưu hưởng lương tháng đã hơn chục triệu đồng.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Liên.

Cử tri Hoàng Ngọc Lương (xã Cán Khê, Như Thanh) kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội về quy hoạch nông thôn mới. Trước đây xây dựng nông thôn mới phải có 3 quy hoạch (quy hoạch hạ tầng, xây dựng, sản xuất) nay hợp nhất ra sao, chi phí cấp nào chi trả. Cùng đó, ông Lương kiến nghị Bộ trưởng LĐ-TB&XH về giải quyết chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, khi nhiều người đã đi vay tiền ngân hàng làm nhà, nhưng 3-4 năm nay chưa được nhà nước chi trả hỗ trợ. 

Ngoài ra, các cử tri huyện Như Thanh cũng kiến nghị với các Đại biểu Quốc hội về giải quyết vấn đề đất đai; việc Cty Cao su – Cà phê Thanh Hoá đang giữ nhiều sổ đỏ của dân trong nhiều năm qua chưa trả; chính sách bảo hiểm y tế; chính sách người có công với cách mạng…

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cùng các Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hoá tiếp xúc cử tri huyện Như Thanh, Thanh Hoá.

Bán không được, cho thuê không xong 

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung ghi nhận những kiến nghị của cư tri huyện Như Thanh và sẽ chuyển tới các cơ quan chức năng giải quyết. 

Giải đáp một phần những chất vấn của cử tri, ông Dung cho biết, việc các dự án, nhà máy đầu tư lãng phí, thua lỗ một phần do lịch sử để lại, khi nguồn lực nhà nước tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Chính phủ đã bàn rất nhiều để giải quyết tình trạng này, nhưng thực tế có doanh nghiệp bán không được, cho thuê không xong”, ông Dung nói và so sánh, mỗi năm ngân sách bố trí khoảng 50 nghìn tỷ đồng chăm lo cho 9 triệu người có công, trong khi mỗi dự án lãng phí, thua lỗ đã hàng nghìn tỷ đồng. 

Ông Dung cũng thể hiện sự đồng cảm với các cử tri về bộ máy nhà nước ngày càng phình to, và cho biết Trung ương Đảng họp cuối năm nay sẽ bàn về vấn đề này. 

Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, theo ông Dung, Quốc hội đã quyết định bố trí 8.600 tỷ đồng cho chính sách này. Những phần nhà nước hỗ trợ cho người có công làm nhà ở nhưng nay chưa thanh toán, ông Dung đề nghị Thanh Hoá bố trí ngân sách địa phương ứng trước, sau đó ngân sách trung ương sẽ cấp bù. Dự kiến tới hết năm 2018 sẽ giải quyết dứt điểm nhà ở cho người có công và đóng lại chính sách này.

Cũng trong chuyến tiếp xúc cử tri, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tới thăm hỏi và tặng quà người có công với cách mạng ở thôn Đồng Mười, xã Hải Vân, Như Thanh, Thanh Hoá, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Liên (92 tuổi), mẹ Liên có 2 người con là liệt sỹ; và thương binh Lê Văn Tiến (64 tuổi). Ngoài ra, ông Dung cũng có những phần quà gửi tới các gia đình người có công còn khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.