Một cửa hàng nông trại bán thực phẩm về sữa ở ngoại ô Brussels cho khách trực tiếp thấy đàn bò ăn gì và được trang bị hệ thống con xoay mát - xa lưng ra sao. ẢNH: KBH
Những tưởng cảnh bà tôi từ sân kho hợp tác xã mang về nhà một rổ nào khấu đuôi, sách bò cùng mớ thịt bạc nhạc bèo nhèo đã dĩ vãng lắm rồi. Thế mà nay anh phi công David De Keyser lái máy bay vận tải ở Bỉ lại mở thêm nghề kinh doanh tay trái - “cộng đồng mổ bò” làm tôi nhớ làng xưa xóm cũ quá đi thôi.
Cộng đồng mổ bò bây giờ dĩ nhiên có khác: Bán thịt bò trước khi mổ cho những người hoàn toàn xa lạ được kết nối nhờ một website. Chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Chia thịt một con bò là cách thức truyền thống thời thế giới còn chưa phẳng và siêu thị chưa được ngợi ca như đỉnh cao của phân phối hàng hóa. Nhưng phẳng rồi thì sao, siêu thị cạnh nhà thì sao?
Hôm qua, vào chi nhánh của siêu thị D. gần nhà chọn mấy gói thịt giảm giá, tôi nghĩ bụng về nhà nấu ngay vẫn tốt, anh chàng thu ngân vội vàng xin lỗi “Hết đát hôm qua, nhân viên quên thu hồi”. Chi nhánh này đóng cửa đến nơi? Tôi chẳng quan tâm vì niềm tin cũng quá đát rồi.
Bây giờ không dễ gì tìm được thịt ngon. Cộng đồng mổ bò được David giải thích “Để người tiêu dùng thấy miếng thịt thật sự trông thế này này. Thịt ở siêu thị rồi sẽ chẳng giống thứ thịt ông bà chúng ta thưởng thức cách đây 50 - 60 năm thời không chất bảo quản. Vì người ta đưa vào siêu thị loại thịt chủ yếu của bê đực 2 tuổi hoặc non hơn.
Đây là thịt nghèo dinh dưỡng bởi bò được nuôi quá nhanh và bị xẻ thịt quá sớm. Hãy để bò lớn lên một cách tự nhiên rồi mổ thịt khi chúng 4- 6 tuổi”. David bắt đầu hình thức cộng đồng mổ bò từ đầu tháng 5/2014 với mục tiêu mỗi tuần một bò, chỉ 6 tuần, sau 22 con bò đã được xẻ thịt.
Có internet hậu thuẫn, nông dân châu Âu đang theo đuổi chiến thuật “thắng nhanh”: Giảm khâu trung gian ép giá nông dân và tăng giá người tiêu dùng. Nông dân sẵn sàng mời khách đến xem đàn bò của mình đang có cuộc sống tươi đẹp không kháng sinh, không thức ăn tăng trọng, không bơm nước vào thịt.
Nên đầu tư thông minh: Thay vì trả tiền cho bác sĩ, hãy trả tiền cho nông dân để có thực phẩm sạch. Gần đây Lieven Annemans ở ĐH Ghent của Bỉ còn nghiên cứu đề xuất đánh thuế cao thức ăn không lợi cho sức khoẻ (chủ yếu đồ ăn nhanh) sẽ tiết kiệm đến 2,2 tỷ Euro mỗi năm chi phí y tế. Đó là hình thức tiết kiệm thông minh.
Gần đây, tôi biết một số bạn trẻ ở Việt Nam đang lập trang web giúp nông dân ở Đơn Dương (Lâm Đồng) bán cà chua thay vì đổ ra đường; có nhà báo mở facebook giúp các bệnh nhân chạy thận trồng và bán rau sạch trang trải viện phí; rồi đây đó những cộng đồng ăn măng tươi Lạng Sơn chính hiệu, cộng đồng ăn lạp xường “chị em tự tay làm rất ngon vì nguyên liệu đảm bảo, phơi gió chứ không phải phơi nắng”...
Nhưng chưa thấy cơ quan công quyền xắn tay áo ủng hộ. Trong khi đó, cộng đồng mổ bò ở Bỉ được chính quyền địa phương định danh “dây chuyền lương thực ngắn”, bệ phóng mới cho chiến lược nông nghiệp khuyến khích hình thức cửa hàng nông trại, tiêu thụ và ăn sản phẩm địa phương tươi tốt, theo mùa. Siêu thị đóng cửa cũng là lúc cửa hàng nông trại đông khách. Bộ trưởng nông nghiệp Kris Peeters dĩ nhiên vui vì gia tăng tiêu thụ sản phẩm địa phương và “ngày càng nhiều nông dân biết tự tiếp thị sản phẩm”.
Khi còn trẻ, tôi cũng yêu thành phố - nơi chất lượng thực phẩm luôn tệ nhất song hành những nhà hàng đắt đỏ nhất. Chính Brussels bị báo cáo vi phạm an toàn thực phẩm cao nhất Bỉ, càng thanh tra càng ra sai phạm.
Có lẽ vì thành phố muốn rũ bỏ nhanh bóng dáng nông thôn chứ không như thời Hemingway còn trẻ mà Paris đã già. Nhưng cái già nua của Paris những năm 1921-1926 còn giữ kết nối thuận hòa giữa người thành thị và nông dân để một sớm thức dậy, tác giả Hội hè miên man được ngắm cảnh “Người chăn dê đi lên con đường dốc, thổi sáo và người đàn bà sống ở tầng trên chúng tôi bước xuống phố, tay xách chiếc bình lớn.
Người chăn dê chọn ra một con trong đàn dê đen nhánh, vú đầy căng, vắt sữa vào bình cho người đàn bà trong khi con chó của ông ép lũ dê còn lại dạt vào bên đường. Những con dê xoay đầu nhìn ngang ngửa như khách tham quan”.