Yêu không phải là cưới

TP - Vợ chồng tôi chơi thân với Jim. Thỉnh thoảng Tony - em trai của Jim qua lại làm chung đôi ba việc nên tôi không bất ngờ khi Tony gõ cửa, ngập ngừng đưa thiếp cưới.

Thực dụng và thẳng thắn, Tony cùng cô dâu Fiana in thiếp cưới hình chiếc vali, ghi rõ “tiền mừng quyết định chuyến nghỉ trăng mật của chúng tôi”.

Tôi đâm lo, chẳng biết nên mừng mõ thế nào cho phải phép. Chạy trời không khỏi nắng, ở Việt Nam phát ngán vì “cơm bụi giá cao”, sống ở châu Âu chẳng mấy khi được mời cơm kiểu này, nhưng cũng rất khó nghĩ.

“Tây trông hào nhoáng thế chứ tiền mừng bé xíu, chỉ đút phong bì 20- 30 Euro”, kinh nghiệm cô bạn Việt ở Bỉ. Tôi vặn “Đằng ấy đi đám cưới bằng phong bì bé xíu chưa?”, “Chưa dám, vì ngượng. Tính người Việt hay sĩ, đi ăn cưới phải tính dôi ra cho người ta.

Cũng có lần hụt đấy. Ấy là lần cô bạn người Thượng Hải lấy chồng Bỉ. Gia đình chồng nó sở hữu công ty kiểm toán danh tiếng, dĩ nhiên tiệc cưới hoành tráng rồi.

Trước khi đi vợ chồng lên mạng gu - gồ, nhà hàng ấy thực đơn khoảng 120 Euro/suất, thống nhất bỏ phong bì chung 300 Euro. Sau này hỏi bữa ấy thết tiệc bao nhiêu, nó bảo 200 Euro/suất”.

Yêu không phải là cưới ảnh 1 Một cô dâu chụp ảnh cưới kỷ niệm trong lâu đài Praha (CH Séc)
Có cả tháng trời khảo giá trước khi ăn cưới nên tranh thủ chuyến sang Hà Lan, tôi hỏi bạn bè ăn cơm bụi giá cao thế nào. Kết luận: đi đám cưới của Tây mừng tiền ít hơn.

Anh Toàn bảo Tây thường tổ chức tiệc nhẹ (finger food) với xúc xích pho mát pizza mini..., chẳng phải dao dĩa lách cách, tiền mừng 20 - 30 Euro hợp lý. Đi ăn kiểu này thoải mái hơn nhận thiếp cưới của người gốc Việt hoặc Hoa, phong bì bét nhất trăm Euro trở lên. Chẳng lẽ định cư ở đây rồi vẫn nặng nề lích kích?

“Quan niệm đời người chỉ cưới một lần. Nhìn tiệc tổ chức ở tiệm của người Hoa, thực đơn xúp vây cá mập, lợn sữa quay cả con, nem công chả phượng... mà quy ra phong bì”.

Tháng trước, một nhân viên người Hà Lan trong nhà hàng của anh Toàn cưới. Anh ta hỏi mượn anh Toàn bếp, nhờ mua giúp thực phẩm, tự nấu tiệc cưới cho rẻ. Đám nhân viên dự tiệc về tâm đắc “ăn uống bôi bác, mừng có vài chục Euro cũng đáng”.

Igor, người bạn Nga của gia đình tôi nhớ lại “Tôi rất sợ đóng bộ vest nhưng vợ bảo nếu mặc jean vào nhà thờ sẽ không cưới xin gì nữa. Chiều cô ấy. Đổi lại, cô ấy đồng ý tự nấu bữa ăn đãi bố mẹ và anh chị em tôi tại nhà, ăn xong mời ai về nhà nấy để vợ chồng tôi cùng vài bạn thân uống vodka. Xong đám cưới”.

Cuối cùng khác nhau vẫn ở quan niệm. Người Việt nghèo đến mấy đám cưới cũng phải vay mượn tổ chức tươm tất. Còn ở đây chúng tôi đùa nhau “đời người chắc gì chỉ cưới một lần, đơn giản tùng tiệm giữ sức cho lần sau”.

Rồi đám cưới của Tony cũng đến. Sáng hôm đó chúng tôi cẩn thận gọi cho Jim kiểm tra “Chúng nó vẫn cưới chứ?”, Jim cười ha ha “Giờ này chắc cưới. Sau tiệc độc thân hai đứa cãi nhau ỏm tỏi, hôm qua mặt chú rể còn nặng đá đeo, tưởng vỡ trận”.

Tony mời tiệc nhẹ nên vợ chồng tôi bỏ phong bì 100 Euro, mong giúp thêm cô dâu chú rể có chuyến trăng mật như ý. Bàn chúng tôi ngồi đặt tấm bưu ảnh Bora Bora - thiên đường du lịch biển Thái Bình Dương. “Sao bàn bên cạnh lại bưu thiếp biển Maldives?”. Anh trai chú rể nhăn nhó “Có cả lựa chọn 2, 3...”. 

Ngồi cạnh tôi là Lillian đã sinh cho Jim hai con nhưng không có ý định kết hôn. Đối diện tôi, người đàn ông lúi húi tô màu cuốn Wedding Day Fun (cho trẻ giải trí trong đám cưới) ngẩng lên chào “Tôi là Rik, bạn trai của chị gái chú rể. Cô kết hôn chưa?” “Rồi”, “Tôi thì không”.

Xa xa, cô dâu Fiana tay xách đuôi váy tay cầm chai rượu nhảy tưng bừng trên nền nhạc bài “Money, money, money” của ABBA. Chú rể Tony lặng lẽ ngồi một mình. Anh lấy miếng bánh rất to nhưng không ăn, gương mặt thất thần mệt mỏi, mắt nhìn vô định. Cách chú rể không xa, liên tục rộ lên tiếng cười thoải mái của các anh chị Tony, những người yêu nhưng chưa bao giờ cưới. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.