Theo báo cáo được công bố trưa 22/2 (giờ Mỹ, tức sáng 23/2 theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã tìm thấy 7 hành tinh thuộc hệ TRAPPIST-1 được cho là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sự sống.
Các hành tinh có tên lần lượt là TRAPPIST-1b, c, d, e, f, g, h; có kích thước tương đương Trái đất, nằm cách Trái đất khoảng 39 năm ánh sáng (tương đương 234 nghìn tỉ dặm).
Dù 39 năm ánh sáng nghe có vẻ gần, nhưng thực tế, với tốc độ của tàu vũ trụ tối tân nhất, con người vẫn phải mất hàng triệu năm di chuyển trong không gian mới có thể đặt chân đến các hành tinh này.
Để tìm ra hệ mặt trời TRAPPIST-1, các nhà khoa học đã sử dụng đồng thời nhiều kính viễn vọng mặt đất và kính viễn vọng không gian. Bao gồm: kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA, kính viễn vọng mặt đất tại Chile, Morocco, Hawaii, Nam Phi và ĐH Liverpool John Moores thuộc La Palma, đảo Canary.
Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA.
Các đặc tính cơ bản của những hành tinh này bao gồm kích thước, quỹ đạo... được xác định bằng phương pháp "transit". Tức là khi một hành tinh đi ngang qua bề mặt một ngôi sao, nó làm giảm đi độ sáng của ngôi sao một chút. Thông qua việc tính toán sự giảm sáng này, các nhà thiên văn sẽ phát hiện ra các hành tinh.
Có thể thấy, các nhà thiên văn học đã mất rất nhiều công sức để truy tìm manh mối sự sống ngoài không gian. Tuy nhiên, điều mà công chúng quan tâm hơn cả, là: trong trường hợp Trái đất bị diệt vong, liệu con người có thể di chuyển đến các hành tinh này để xây dựng cuộc sống?
Việc du hành giữa các hệ mặt trời vốn được cho là rất khó khăn, bởi việc vừa tích đủ nhiên liệu cho quãng đường dài hàng nghìn tỉ dặm, đồng thời vừa đảm bảo tàu vũ trụ đủ nhẹ để bay lên dường như là điều không tưởng.
Do đó, để có thể di chuyển trên quãng đường tính bằng năm ánh sáng, con người sẽ cần loại tàu vũ trụ mới có tốc độc cao hơn tốc độ cho phép hiện tại rất nhiều.
Trong những năm gần đây, các kỹ sư đã phát triển một công nghệ mới cho phép con người tiếp cận các hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời mà không cần sử dụng nhiên liệu tên lửa thông thường.
Đó là một máy thăm dò nặng khoảng 100gram, có kích thước bằng một cục xà phòng, sử dụng buồm photon và được đẩy đi trong không gian bằng bức xạ từ các hành tinh. Tốc độ mà thiết bị này đạt được có thể đạt tới 14 triệu mét/giây (tương đương 50,4 triệu km/h).
Một công nghệ khác cũng đang được các nhà khoa học phát triển là sử dụng năng lượng phát ra từ những vụ nổ hạt nhân trong không gian để đẩy phi thuyền về phía trước, thay vì sử dụng nhiên liệu thông thường.
Với những công nghệ mới liên tục được các nhà khoa học phát triển, trong tương lai, con người có khả năng sẽ đưa được máy móc chạm đến hệ mặt trời TRAPPIST-1. Dù vậy, việc có thể phát triển thiết bị này để phục vụ việc chuyên chở con người hay không vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
- Năm ánh sáng là quãng đường ánh sáng đi được trong thời gian 1 năm. Một năm ánh sáng bằng 9.460.528.400.000km (9,5 ngàn tỷ km), tức là 5.878.499.810.000 dặm.