Lóp ngóp từ ga tàu điện ngầm leo lên mặt đất, tôi suýt bị ấn trở lại vì ngợp trước nhà thờ Duomo tầng lớp tháp nhọn như núi đá hoa cương mọc giữa trung tâm Milan. Rồi phải đi bộ qua Galleria Vittorio Emanuele II, chỉ dùng tính từ xa hoa thực ra chưa tả hết độ ngông cuồng về mốt của người Ý. Nơi đây, phù phiếm chính là hiện thực. Thế mà bên kia đường, La Scala- nhà hát opera cổ xưa bậc nhất châu Âu lại hiện ra khiêm nhường thế kia.
Trả 7 EUR/vé tham quan, lần mò qua hành lang nhỏ, cầu thang hẹp và âm u, vai suýt chạm khung treo áp phích các vở Othello, Hamlet... hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng đừng đùa với La Scala. Ma mị như kiểu rồi sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm. Trên đầu đèn chùm, dưới chân cẩm thạch, có khi chỉ làm nền cho đèn nến. Chạm vào tay vịn gỗ bọc nhung, ngó đầu ra, chơi vơi trước các trang trí mạ vàng chạy quanh một khung móng ngựa vút lên 6 tầng chia lô nghe nói thiết kế ưu tiên sở thích của những người góp vốn xây nhà hát. Ở các lô cho khách vào tham quan, vải đỏ cẩn thận phủ lên tránh làm xước lớp nhung mịn bọc tay vịn.
Nhưng cái phòng triển lãm trong La Scala mới lắm chuyện. Quà tặng đặc biệt của quá khứ vàng son, của nghệ thuật opera trên thánh địa Ý. Trần thấp, phòng nhỏ, hiện vật chồng hiện vật, chiếc piano phải cõng thêm bao nhạc cụ anh em. Chân dung Giuseppe Verdi, lẽ ra nên ngự riêng tường lớn, lại “chung cư” với bao nghệ sĩ khác. Đồ trang sức, các bản nhạc, tượng bán thân, bàn gương... chỉ chực ào ra lối đi, nhưng vẫn được chăm sóc giữ gìn nghiêm cẩn, tất thảy đều bóng lên chứ không mờ bụi thời gian. Hai nhân viên trông coi triển lãm miệng cười liên tục nhưng ánh mắt hay hốt hoảng như sắp có biến. Nhỏ như tôi cũng cố gắng gom xống áo cho gọn nhất có thể, một cú xoay bất cẩn thôi áo khoác cũng thể móc vào dây đàn hoặc kéo đổ tượng đá.
Còn đây, gương mặt số 4 Thụy Khuê một thời tôi hay ra vào hỏi tin tức, trò chuyện với các đạo diễn, quay phim, biên kịch: những dãy nhà cấp bốn rêu xanh hăm hở đánh chiếm tường vàng, cửa sổ hai cánh gỗ sơn xanh khép lại bất động dưới mái lợp fibro xi măng cũ kĩ, đạo cụ hoen gỉ dồn đống trong các góc kho ẩm mốc, các chồng kịch bản cũ tràn xuống nền nhà và mất mát, thất lạc dần...
Nếu đã xong vai trò lịch sử- làm nên nền điện ảnh cách mạng, thì di sản vẫn còn đó, làm bảo tàng, triển lãm hoặc xếp vào một cái kho cho ra kho- chật chội mà vẫn sạch sẽ thơm tho. Như Verdi đang vui vẻ ở “chung cư” La Scala. Một Việt kiều tại Milan kể với tôi “Ở đây mở mắt ra là thấy di sản. Dân Ý đâm nhàn, sống nhờ quá khứ là chính.”
Gần hai thế kỷ trước (9/3/1842), vở opera nổi tiếng Nabucco của Verdi lần đầu trình diễn tại La Scala. Nay, vẫn tại La Scala, lịch diễn vở này vào tháng Mười và Mười Một mùa 2017 đã bán gần hết vé (khoảng 390 EUR/vé). Quá khứ tiếp tục nuôi sống tương lai, nếu hiện tại được giữ gìn tốt. Cả Hãng phim truyện Việt Nam nay chỉ là cái xác không hồn, cho chết hẳn đi để xây chung cư cao ốc thương mại hiện đại. Dễ lắm. Cả nước đang hát bài ca xây dựng cơ mà. Nhưng sau này muốn xây cho ra một góc quá khứ, tìm lại đồ đạc cho hồn nhập xác. Khó lắm. Mà đâu chỉ chuyện tấc đất tấc vàng mới làm nhiều thứ thuộc về tâm hồn biến mất.
“Con có biết ai là nhà sưu tầm đầu tiên trong lịch sử nhân loại không Joseph bé nhỏ?
-Không ạ!
-Đó là Noé.”
Nhà văn Eric- Emmanuel Schmitt (từng giành giải Goncourt với tác phẩm Một mối tình ở điện Élysée) viết đoạn hội thoại này giữa linh mục Pons và cậu bé Joseph gốc Do Thái trong tiểu thuyết Con của Noé. May, đời còn có cha Pons. Vừa cứu sống nhiều đứa trẻ Do Thái khỏi bàn tay tàn bạo của phát xít Đức, dưới hầm trú ẩn trong nhà nguyện, cha Pons còn âm thầm giấu một cuộn kinh Torah, bức ảnh Jerusalem có chỉ hướng để quỳ lạy, máy hát, những đĩa nhạc cầu nguyện bằng tiếng Yiddish...
Noé, bằng cách chất lên thuyền từng cặp đực- cái của các sinh vật trên trái đất, đã giữ được sự sống sau cơn đại hồng thủy. Eric- Emmanuel Schmitt, người Pháp đang sống ở Brussels và cũng chọn Bỉ làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết đầy xúc động này lại gửi gắm vào nhân vật cha Pons nỗ lực cứu những giá trị văn hóa, bất kể thuộc tôn giáo nào.
Ngồi cách Eric- Emmanuel Schmitt chỉ chưa đầy một tiếng lái xe, gần hơn nhiều đường đến La Scala hay quê hương xa xôi vạn dặm của tôi, lần đầu tiên tôi có cảm giác đọc lại một cuốn tiểu thuyết rất mỏng, mà phần kết cứ dài mãi không thể đặt dấu chấm.
Ấy là vì nhân vật cha Pons, suốt ba mươi năm sau, thỉnh thoảng gặp lại Joseph vẫn thông báo “Cha bắt đầu bộ sưu tập mới. Bộ sưu tập về người da đỏ, bộ sưu tập đồ Việt Nam, sưu tập đồ của các vị Tăng lữ Tây Tạng...”
Kiều Bích Hương (viết tự do, Bỉ)