Có kiểm soát độc hại từ tấm lợp fibro xi măng?

TP - Tấm lợp fibro xi măng được sử dụng khá phổ biến ở các vùng nông thôn, miền núi Việt Nam. Trong khi nhiều ý kiến trái chiều về sự độc hại sản phẩm này, tại hội nghị triển khai chương trình “Sử dụng amiăng trắng an toàn có kiểm soát trong sản xuất tấm lợp fibro xi măng”, ngày 7/8 (Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam tổ chức) khẳng định: Sản phẩm này an toàn nếu dùng đúng cách.
Tấm lợp fibro xi măng vẫn đang gây tranh cãi về mức độ độc hại đến con người. Ảnh: Như ý

Từ năm 2001, Chính phủ đã có đề án ngừng sản xuất loại vật liệu này do có khuyến cáo ảnh hưởng tới sức khỏe của con người. Nhiều đơn vị đã thử nghiệm các sợi khác để thay thế amiăng song hiện chưa có loại nào thay thế được. 

Tuy nhiên, đến năm 2004, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 133 về việc cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp. Nhưng để hạn chế ảnh hưởng, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy phải hoàn thiện công nghệ, kiểm soát khí thải, nước thải, chất thải rắn.

 Ông Võ Quang Đức, Phó phòng Vệ sinh lao động kiểm soát môi trường (Phân viện Bảo hộ Lao động và Bảo vệ môi trường miền Nam) cho rằng, hầu hết công nhân trong các cơ sở sản xuất tấm lợp fibro xi măng chỉ được trang bị khẩu trang thông thường chứ ít được trang bị mặt nạ phòng độc. Thậm chí, có dùng mặt nạ phòng độc được trang bị cũng không đúng tiêu chuẩn.

Theo T.S Võ Quang Diệm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam trong quá khứ, việc sử dụng sợi amiang không đúng cách như phun, xịt gây phát tán bụi trong không khí cùng với điều kiện làm việc tồi tệ là nguyên nhân gây ra các bệnh về phổi cho công nhân. Những bệnh nhân mắc bệnh bụi phổi được phát hiện ngày hôm nay chính là kết quả của việc tiếp xúc với amiang xanh và nâu từ 20 - 40 năm trước.

Hiện nay, việc sản xuất tấm fibrô ximăng và ống nước fibrô ximăng chỉ
chứa một lượng rất nhỏ sợi amiang trắng (từ 8 – 10%); trong đó tỷ lệ
các loại vật liệu thô khác được sử dụng là ximăng 55%, tro bụi than
thiên nhiên là 35%. Các sợi chrysotile (amiang trắng) được gắn kết rất
chặt chẽ với hạt ximăng trong suốt quá trình sản xuất nên khó có thể
bị phân tán ra môi trường bên ngoài.

Ông Võ Quang Diệm cũng cho rằng, ngay cả khi kết quả tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tấm lợp được đánh giá là không khác biệt với những đơn vị sản xuất khác cũng vẫn cần các doanh nghiệp phải hợp quy chuẩn bảo đảm yêu cầu môi trường và sức khỏe.

“Các công ty vi phạm quy trình sản xuất hay gây ảnh hưởng môi trường, hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết xử lí, nặng nhất là yêu cầu đóng cửa nhà máy dừng sản xuất. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải nhanh chóng vào cuộc, làm rõ nguyên nhân gây bệnh ung thư để ổn định cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cho người dân và hoạt động của nhà máy”, ông Diệm nói.

Theo thống kê, trên toàn quốc có 39 nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, năng lực sản xuất đạt khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho trên 5.000 lao động. Hầu hết các nhà máy đều chạy hết công suất và không có hàng tồn kho do nhu cầu sử dụng của người dân rất lớn.

“Chúng tôi đã tiến hành các nghiên cứu trên những gia đình sống dưới mái nhà lợp tấm amiang 30 năm, nhưng không tìm thấy bằng chứng nào chứng tỏ amiang gây ra ung thư. Thậm chí với các công nhân làm việc trong các nhà máy đã nghỉ hưu hiện tại cũng rất khỏe mạnh” – ông Moraes, chuyên gia từ Brazil.