Lại gặp Hàm Rồng- Kỳ II:

Chuyện O du kích nhỏ xứ Thanh

TP - Không cùng làng nhưng ngay kế bên túi bom của làng Yên Vực có chuyện một nữ dân quân làng Nhữ Xá huyện Hoàng Anh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Chuyện của chị sau gần 50 năm cứ như một thứ… giải mật vậy.  Chuyện người từng canh giữ và giải phi công Mỹ qua cầu Hàm Rồng.  
Bà Thảo và chồng xem lại bức ảnh dựng lại từ đoạn phim Người Hàm Rồng (bà Thảo đang quản tù binh Mỹ qua cầu Hàm Rồng). Ảnh: Hồng Vĩnh

Có lẽ chẳng cần một thứ giải mật nào khác nếu như bộ phim Người Hàm Rồng (Xưởng phim QĐND, biên kịch Hoàng Văn Bổn, đạo diễn Lê Lâm, quay phim Lê Văn Bằng, Vương Đức Cừ)  sau thời điểm sản xuất (1967) được trình  chiếu rộng rãi. Nhất là sau thời điểm bộ phim đã đoạt  Giải thưởng Liên hoan phim quốc tế Zorit - Iven tại Đức, giải thưởng Bông sen Vàng lần thứ nhất, Tổng LĐLĐVN tặng giải thưởng cho phim nói về đề tài công nhân trong kháng chiến chống Mỹ hay nhất vào năm 1968.

Trong phim có một xen ngắn nhưng cực kỳ ấn tượng. Hình ảnh cô dân quân giải một giặc lái Mỹ lênh khênh sải bước qua cầu Hàm Rồng, cây cầu đầy thương tích do bom Mỹ tháng 1/1967. Như một phiên bản của O du kích nhỏ giương cao súng… mà thơ Tố Hữu từng đề ảnh của Phan Thoan.

Hình như bộ phim tư liệu nổi tiếng ấy ít được trình chiếu? Oái oăm, ngay đạo diễn đại tá NSƯT Lê Lâm (người cuối cùng còn sống trong nhóm làm phim) mãi đến quá 80 tuổi (năm nay ông đã 85) mới biết tên cô dân quân ấy. Và cũng mới đây, cô dân quân ấy nay là bà lão đã gần 75 tuổi mới biết mình từng có mặt trong bộ phim.

Theo lời mách của đạo diễn Lê Lâm, tôi đã tìm về thôn Nhữ Xá xã Hoằng Anh (Hoằng Hóa).

Trung đội dân quân  Nhữ Xá của O Thảo có chức năng nhiệm vụ na ná như trung đội dân quân bên Yên Vực ngay sát cầu Hàm Rồng.  Nhữ Xá của Hoàng Anh cũng nằm trong tầm nguy hiểm khi máy bay Mỹ bổ nhào xuống cầu Hàm Rồng bị hỏa lực ta đánh nên hốt hoảng bấm nút. Chính cái hoảng hốt ấy khiến bom tên lửa  chệch ra nên khu vực quanh cầu bờ Nam có Nam Ngạn bờ Bắc có Yên Vực, Hoằng Anh vô tình thành chỗ hứng bom. Nhà cửa bị trúng bom nhiều lần, nhiều dân thường bị chết bom, người  dân ở đây hầu hết đi sơ tán.

Trung đội dân quân của O Thảo  có nhiệm vụ phối thuộc chiến đấu và phục vụ chiến đấu với các chiến sĩ Trung đoàn pháo cao xạ 57 ly của Trung đoàn 228 bảo vệ cầu Hàm Rồng. Các phương án tác chiến khi máy bay đánh trận địa tải thương, cứu thương và cả việc bắt giặc lái nữa đều được cấp trên và bộ đội huấn luyện thành thục. Đặc biệt rất nhiều chiến sĩ dân quân gái cũng như trai có thể đảm nhận nhiều vị trí chiến đấu của khẩu đội cao xạ phòng khi bất trắc.

Buổi rét ấy sương mù mịt. Non trưa hơi hửng thì bọn F4 ràn rạt bay vào đánh cầu. Các hỏa lực bảo vệ cầu đánh trả mãnh liệt. Một chiếc F4 dính đạn tóe lửa chệnh choạng rồi cắm đầu về phía Đò Lèn. Nhưng thằng giặc lái đã nhanh hơn để thoát thân. Lúc này, nhiều người nhìn thấy một nấm dù lơ lửng. Tưởng có gió dù dạt đi xa nhưng bất ngờ lát sau uych gần xuống trận địa C3 của Trung đoàn 228.

Cũng nói thêm, tổ làm phim của đại úy quân đội Lê Lâm khi ấy đang thực hiện bộ phim Người Hàm Rồng chốt gần Núi Ngọc nên trông rõ cảnh này. Quyết phải ghi được hình ảnh quân dân Hàm Rồng bắt giặc lái. Trên đường, may bắt gặp quay được cảnh máy bay địch đâm đầu, xác tung tóe nhưng chẳng thấy cái dù giặc lái đâu. Chiều anh em lại quay về Hàm Rồng.

Ảnh bà Thảo trong những ngày ở đơn vị thông tin. Ảnh: Tư liệu

Trong khi đó, tiểu đội dân quân của O Thảo đã phối hợp với bộ đội C3 nhanh chóng bắt gọn tên giặc lái. Anh Sơn khẩu đội trưởng giao nhiệm vụ cho 2 chiến sĩ nữa đưa tên phi công vào ngay một căn hầm kiên cố và lệnh  tuyệt đối giữ bí mật!

O Thảo biết khi đó có một thứ quân lệnh bất thành văn là phải đảm bảo an toàn cho giặc lái khi bị bắt. Bởi đã có trường hợp ngay gần Hàm Rồng đây thôi, giặc lái khi nhảy dù, mặc dù đã lường hết lòng căm thù của dân, vẫn xẩy ra chuyện một tốp người bất ngờ áp sát bộ phận canh giữ đánh bị thương một tên giặc lái. Khẩu đội trưởng Sơn dặn ba anh em phải tuyệt đối giữ bí mật khi canh giữ tên này. Nếu xảy ra chuyện gì thì, như anh Sơn đã thẳng thừng các đồng chí chỉ có việc phải bị đi tù!

  Tên giặc lái cao to lênh khênh, và hói. Nhưng hắn trông không già như lúc đầu Thảo tưởng.

Nhảy ra tàu bay lúc bom đạn mù trời như thế mà hắn may không bị xước xát gì. Sao lại nới dây trói cho hắn nhỉ? Nhỡ hắn dùng võ đánh tháo? Thế nên Thảo càng để ý và luôn lăm lăm khẩu K44…

Chừng như căng mắt mỏi tay chấp hành mệnh lệnh của anh Sơn suốt cả buổi chiều không thấy hiện tượng gì lạ! Có lúc tên phi công lầm bầm ú ớ gì đó nhưng khổ, mấy anh em có ai biết tiếng Mỹ đâu? Ngoài từ hen ấp (giơ tay lên) dân quân ai cũng biết khi học bắt giặc lái. Bây chừ hắn bị trói thế này thì ấp ấp cái chi?

Chiều muộn, lạnh. Hai anh bộ đội tỏ ra lo lắng, vì họ được thông báo trên sẽ xuống đưa tên này đi nhưng mãi không thấy.

Một quả dừa đã bổ. Một khay quân dụng trên đó có cơm và ngăn thịt hộp, rau muống. Đó là bữa chiều của thằng giặc lái.

O Thảo ngập ngừng Phải cởi trói cho thằng ni anh ạ. Trói rứa hắn ăn răng? Hai anh bộ đội lắc đầu.

Tình thế khó xử này cũng được tháo gỡ khi Thảo chậm chạp lóng ngóng rót nước dừa cho hắn uống. Và khó khăn làm sao khi phải đút cho kẻ thù từng thìa cơm, thức ăn.

Đêm ập xuống. Phải sơ tán gấp thằng này khỏi khu vực trận địa nhỡ đêm nay địch đánh ác liệt, nhỡ hắn có làm sao thì ăn nói thế nào.

Địa điểm bí mật ấy là Trường cấp 1 Nhữ Xá lâu nay bỏ hoang vì bom Mỹ đánh rát, học sinh phải sơ tán. Chỗ này rất kín đáo.

Khoảng 11 giờ đêm, không có báo động, làng xóm trống trải vắng ngắt. Thấy tốp người súng ống đưa đi lại ra dấu im lặng, gã phi công run cầm cập quỳ xuống lầm rầm gì đó. Thảo cáu lắm nhưng lờ mờ biết tên giặc lái đang sợ. Cứ tưởng đang bị đem đi bắn? Phải động viên hắn… Trong ánh đèn pin, hắn cảm thấy bàn tay của cô gái nhỏ nhắn kia đang vỗ lưng hắn như đang truyền đi một thông điệp an lành nào đó?

Giày tất lột từ trưa để kiểm tra. Thảo đề nghị hai anh bộ đội để hắn mang đôi tất cho dễ đi…

 Khấp khểnh gập ghềnh đường thôn trong lạnh giá. Cả ba cứ thon thót, nhỡ cái thằng này tự dưng  kêu rống lên thì khốn!

Nhưng may, hắn im lặng, cung cúc bước. Dây trói chân được cởi. Nhưng trước khi đi hai anh bộ đội đã ra dấu, nếu mà chạy sẽ pằng pằng.

Rồi cũng tới địa điểm trường. Căn phòng tối om trống trơn. Thảo lấy đèn dầu khêu nhỏ ngọn dùng tờ giấy báo cuộn lại để vào một góc. Rồi cô chạy đi. Lát sau lù lù về một ôm rạ to tướng. Thảo ném cho hắn. Không nhìn rõ mặt nhưng chất giọng hắn riu ríu ý chừng biết ơn.

Sau này từng trải qua quãng đời gian nan quân ngũ của người lính thông tin Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Lê Thị Thảo cũng chưa khi nào thấy cái đêm lạnh canh tù binh phi công lại lê thê và căng thẳng như thế?

 Quãng gần 5 giờ sáng thì có chiếc xe con ghé vào trường đón tất cả đi. Và do được báo trước, thể theo nguyện vọng của tổ làm phim của Lê Lâm, người ta đã bố trí cảnh quay Lê Thị Thảo dẫn giải giặc lái Mỹ qua cầu Hàm Rồng.

Sau gần nửa thế kỷ, bà Lê Thị Thảo mới biết mình đã từng được vào phim ảnh như thế nào. Tin ấy do một người nhà của bà ở Đài truyền hình Thanh Hóa báo. Rồi có cuộc gặp với đạo diễn Lê Lâm. Mãi khi đó NSƯT Lê Lâm mới biết tên cô dân quân làng Nhữ Xá.

Vâng, sau tròn một nửa thế kỷ, một nhân vật nữa trong phim Người Hàm Rồng của đạo diễn Lê Lâm có lẽ cũng cần phải được… giải mật! Đó là danh tính của viên phi công tù binh. Tôi đã hỏi đạo diễn Lê Lâm và nhiều bộ phận cùng nhà chức việc khác có liên quan nhưng không có ai biết và nhớ được họ tên, phiên hiệu đơn vị viên phi công từng bị giải qua cầu Hàm Rồng  ngày  19/1/1967 ấy?

Có lẽ cũng chả phải nhiêu khê lắm, các nhà chức việc nên trích đoạn phim hoặc in ra tấm hình hay đơn giản chuyển cho bộ phận MIA (cơ quan tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam). Hình như cả Bộ Quốc phòng Việt Nam và Hoa Kỳ đều có bộ phận chuyên trách công việc xác định truy tìm danh tính đại loại như thế này?

Ông chồng Phạm Sơn Ca vốn là một cựu binh cùng vợ Lê Thị Thảo khi chia tay chúng tôi có nhắc  lại việc tìm danh tính của cái viên phi công Mỹ ngày nọ. Bà Thảo bộc bạch, bà muốn nói với ông ta một câu rằng, khi giải qua cầu Hàm Rồng, có động thái bà đã kiễng chân dúi đầu ông ta xuống chỉ là nhắc cái lão lênh khênh kia nhìn xuống trông chừng những khoảng ván và bê tông trên mặt cầu đã bị bom đánh tụt mà tránh ra kẻo bước hụt xuống đó thì khốn! Mà khi đó hắn ta có bị làm sao thì tôi bị kỷ luật chứ không có ý chi như người ta bình phẩm lẫn thêm thắt là cô dân quân Hàm Rồng dúi đầu tên giặc lái Mỹ xuống để thể hiện tư thế người chiến thắng!   

(Còn nữa)

Sau gần nửa thế kỷ, bà Lê Thị Thảo mới biết mình đã từng được vào phim ảnh như thế nào. Tin ấy do một người nhà của bà ở Đài truyền hình Thanh Hóa báo. Rồi có cuộc gặp với đạo diễn Lê Lâm. Mãi khi đó NSƯT Lê Lâm mới biết tên cô dân quân làng Nhữ Xá.