Trước khi đến thăm gia đình ông Nghệ ở thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi không thể hình dung được cuộc sống giản dị, đơn sơ của người chiến sĩ đặc công lừng lẫy năm nào. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, rộng chừng 60m2 thứ đáng giá nhất là những tấm huân, huy chương treo kín trên tường. Bước qua tuổi 63, ông vẫn giữ được tác phong của người lính đặc công, nhanh nhẹn, hoạt bát và bình dị.
Kể lại những năm tháng chiến đấu ở miền Đông Nam bộ, giọng ông Nghệ chùng hẳn xuống. Ông sinh năm 1952 tại thôn Minh Hồng, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Tròn 18 tuổi, ông xung phong vào Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công. Sau khóa huấn luyện tại Suối Hai - Ba Vì, đầu năm 1971 ông cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chiến trường. Có mặt ở Bình Phước, ông được biên chế về Đoàn 27, đơn vị đảm nhận các mục tiêu lớn như tổng kho Long Bình, sân bay Biên Hòa và các khu căn cứ quân sự ở Bình Dương, Lai Khê, Phước Vĩnh, Trường sĩ quan Long Thành, căn cứ biệt kích Yên Thế… phía bắc Sài Gòn - Gia Định. Ông Nghệ bảo, bước vào trận đánh ai cũng đau đáu quyết tâm cùng đồng đội tiêu diệt nhiều sinh lực, phương tiện, kho tàng của địch. Người chiến sĩ đặc công luôn biết nhận hy sinh, nguy hiểm, khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội. Với họ cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Trận đánh để đời
Cho đến bây giờ ông Nghệ vẫn nhớ như in trận đánh căn cứ Sư đoàn 18 (Sư đoàn Trâu điên, Chiến đoàn 43 Sài Gòn). Đây là sư đoàn chuyên cung cấp các sĩ quan thiện chiến quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH) cho chiến trường miền Nam, nhất là khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo tin tình báo, trong tháng 4/1973, sẽ có hàng nghìn sĩ quan về dự hội nghị rút kinh nghiệm chiến đấu tại Sư đoàn Trâu điên. Đoàn 27 được giao nhiệm vụ điều nghiên, tấn công, tạo tiếng vang và thanh thế cho ta, gây hoang mang cho địch.
Ông Nghệ hiện là Bí thư chi bộ thôn Quỳnh Ngọc
Dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Văn Lại, đại Đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 9, ông Nghệ và đồng chí Nguyễn Xuân Tinh (Hà Tĩnh) có nhiệm vụ trinh sát, điều nghiên để chuẩn bị cho trận đánh.
“Căn cứ Trâu điên nằm cạnh bờ sông, có con đê cao gần 4m che chắn, từ ngoài vào trong có 3 lớp hàng rào cũi lợn, bùng nhùng, mỗi lớp cách nhau khoảng 3 - 5m. Ở các khoảng trống và trên các hàng rào bố trí dày đặc các loại mìn Clay mo, mìn díp, mìn râu tôm, vỏ lon sữa nhằm phát ra tiếng động, gây sát thương khi có ngoại lực tác động. Cứ 25m địch lại bố trí 1 lô cốt kiên cố, có tầm quan sát rộng và hỏa lực mạnh. Ban đêm căn cứ bật đèn cao áp, bắn pháo sáng. 6 giờ chiều hằng ngày, tổ đặc công chúng tôi hành quân từ cửa rừng ra khu tập kết, đợi đến 11 giờ đêm thì tiếp cận mục tiêu.
Sau 3 tháng, đêm bò vào, sáng sớm bò ra, chúng tôi đã có đầy đủ sơ đồ bố trí, lực lượng, trang bị chi tiết và những đánh giá chính xác điểm mạnh, điểm yếu của địch. Quá trình trinh sát, chúng tôi được trang bị dao găm, lựu đạn và súng ngắn. Lúc bò vào trong, địch bố trí vật cản thế nào thì khi quay ra phải trả mọi thứ về đúng nguyên trạng như thế. Lo sợ nhất là đám quân khuyển, ngỗng được huấn luyện để lùng sục, đánh hơi kẻ lạ, vì thế trước khi đột nhập, chúng tôi mặc độc chiếc quần lót nằm phơi sương để làm mất hơi người. Ngoài ra, địch còn thả rắn độc, kiến lửa quanh căn cứ nhằm ngăn ta thâm nhập”, ông Nghệ nhớ lại.
Đêm tấn công căn cứ địch, sau khi cắt hàng rào đưa lực lượng vào trong, ông Nghệ ôm khối bộc phá băng băng áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn Trâu điên và kích nổ làm hiệu lệnh để toàn đơn vị xung phong. Bị bất ngờ, kẻ địch kháng cự yếu ớt. Nhanh chóng tiêu diệt mục tiêu đảm nhiệm, ông Nghệ quay sang chi viện cho các tổ khác đánh sập thêm 2 dãy nhà, là nơi ở của hàng trăm sĩ quan.
Một trận đánh nhớ đời khác theo ông là trận đánh cầu Tân Cảng trên xa lộ Thủ Đức ngày 10/4/1975. Ông Nghệ có nhiệm vụ cắt hàng rào, mở cửa đưa lực lượng vào trong. Sáng sớm, trước giờ nổ súng 30 phút, ông vinh dự được được kết nạp Đảng ngay trước lớp hàng rào ngoài cùng của địch. Trận ấy, ông cùng đồng đội tiêu diệt hoàn toàn hai trung đội địch bảo vệ cầu, chiếm lô cốt đầu cầu. Sáng hôm sau, chúng điều lính lên chiếm lại cầu, tương quan lực lượng chênh lệch nên cấp trên lệnh cho đơn vị tạm thời rút lui, đến đêm sẽ tái chiếm. 16 ngày liên tục, ban đêm cầu do bộ đội ta làm chủ, ban ngày do địch làm chủ. Đến ngày 26/4, quân ta chiếm được cầu hoàn toàn.
Những điều bất ngờ
Sau ngày giải phóng, ông Nghệ về làm quân quản ở cư xá Kiến Thiết - Thủ Đức, sau được Nhà nước cử sang Bungari học lớp lái máy gặt đập liên hợp, nhưng rồi căn bệnh sốt rét tái phát, sức khỏe yếu ông đành xin về quê.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tặng hoa AHLLVTND Phạm Huy Nghệ (thứ 2, phải qua) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN
Năm 1977, ông chuyển vào làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ông Nghệ bồi hồi: Cuộc đời tôi có hai sự kiện bất ngờ. Lần đầu là vào năm 1978, khi tôi đang trộn bùn trát lại ngôi nhà cũ thì có một đoàn xe chạy vào tận cổng. Chưa hiểu chuyện gì thì những cán bộ sĩ quan mặc quân phục đã reo lên “Đúng anh Nghệ rồi! Chúng tôi đi tìm anh mãi”.
Rồi họ thông báo, tôi được Đảng, Nhà nước phong tặng AHLLVTND vì thành tích xuất sắc trong trận đánh căn cứ Sư đoàn Trâu điên và mời tôi về quê nhận thưởng. Tôi cứ ngỡ mình nghe nhầm”. Hóa ra, khi quyết định phong Anh hùng đưa về đơn vị cũ, thì ông đang đi học, thuộc quân số của Bộ Luyện Kim. Liên hệ với Bộ Luyện Kim, biết ông đã xuất ngũ về quê. Họ lặn lội về Thái Bình, ông lại chuyển vào Đắk Lắk từ lâu.
“Sau ngày nhận danh hiệu Anh hùng, tôi xin tái ngũ, làm Chính trị viên Đại đội Quân báo - Trinh sát 32, Bộ CHQS tỉnh Thái Bình. Đúng một năm sau, khi tôi đang tập huấn bơi cho bộ đội trên sông Bạch Đằng đoạn qua huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), đoàn công tác của Trung ương Đoàn và Bộ Tư lệnh Quân khu 3 bất ngờ chạy bo bo ra giữa sông thông báo, có lệnh của Bộ Quốc phòng, cử tôi tham gia đoàn Thanh niên cộng sản HCM dự kỷ niệm 30 năm thành lập Thanh niên tự do tại CHLB Đức. Tôi được đi thăm và giao lưu tại 17 nước XHCN. Đó là điều bất ngờ thứ hai”, ông Nghệ chia sẻ.
Sau chuyến đi ấy, ông về làm chính trị viên Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 329, Quân khu 3 rồi lấy vợ sinh con. Năm 1987, ông đưa cả gia đình vào lại Đắk Lắk. Tại đây, ông đảm nhận các cương vị như Phó chỉ huy trưởng Động viên Ban CHQS huyện Lắk, trợ lý Tác chiến - Phòng Tham mưu. Ngày về hưu ông mang hàm thiếu tá, là Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Krông Ana, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk.
Ông Nghệ có tất cả 8 người con. Bốn người con đầu lúc mới sinh đều khỏe mạnh nhưng cứ đến tháng thứ 6 - 7, lồng ngực, chân tay tự nhiên teo tóp, ốm yếu dần. Bao nhiêu tiền của trong nhà, ông dành cả chữa bệnh cho con, vậy mà chẳng đứa nào ở được với ông quá bốn năm. Người con thứ 5 là Phạm Huy Võ, là chiến sĩ Trung đoàn BB584, Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk may mắn khỏe mạnh, ngoan hiền, song lại qua đời vì tai nạn giao thông năm 2007. Niềm hy vọng lớn nhất của ông bây giờ là cô con gái học năm cuối khoa ngoại ngữ Đại học Tây Nguyên, người con trai vừa tốt nghiệp PTTH và cậu con út học lớp 12, trường Văn hóa 3 Bộ Công an.
Bị di chứng nặng nề của chất độc da cam, cứ trái gió trở trời lại đau nhức khắp người, thế nhưng chẳng bao giờ ông than thở một lời. Với ông, việc hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của người chiến sĩ Đặc công.
Ông Nguyễn Đình Viên, Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết: Trong huyện chỉ còn duy nhất bác Nghệ là AHLLVTND. Bác không chỉ là nhân chứng sống, nguồn tư liệu quý mà còn là người anh hùng cách mạng gương mẫu, luôn phát huy tốt phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, bác còn tích cực tham gia vào các hoạt động ở xã, huyện, giáo dục truyền thống cho giới trẻ, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ.