Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cống hiến của các Già làng Tây Nguyên

TPO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 19/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Gia Lai dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên. 

Hội nghị có sự tham dự của 224 già làng đại diện cho hơn 3 nghìn già làng các tỉnh Tây Nguyên. Trong những năm qua già làng các dân tộc là chỗ dựa vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương, gắn kết các đồng bào dân tộc thôn, làng. Già làng còn là nhân tố tích cực cho Hội người cao tuổi và các phong trào địa phương, có sức thuyết phục lớn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em, cư trú, trong đó có 12 tộc người thiểu số tại chỗ. Các Già làng là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, với mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể.

Già làng Đinh Yem

Già làng Đinh Yem (75 tuổi, là già làng buôn Đắk Yang 2, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: Mình nhận thức sâu sắc "đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết", do vậy kêu gọi già trẻ, trai gái, quân dân thường xuyên thực hiện tốt lời dạy trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam ngày 19/4/1946".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao hoa, quà cho các già làng

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các Già làng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, Tây Nguyên tới nay vẫn là vùng nghèo, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều vất vả.  Chủ tịch Quốc hội mong muốn các Già làng và Người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không tổ chức tang ma kéo dài, ăn uống linh đình... Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. 

Chủ tịch Quốc hội lưu các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là các sinh viên mới tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm.