Chỉ tăng tiền phạt là chưa đủ

TP - Tăng mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm luật giao thông, số lượng vi phạm có giảm không? Đặt ra vấn đề này hoàn toàn thời sự, bởi từ ngày 1/8 tới đây, hàng loạt hành vi vi phạm luật giao thông sẽ bị xử lý theo chiều hướng tăng nặng mức tiền phạt.

Thậm chí có những lỗi, người nộp phạt coi như mất cả chiếc xe máy sử dụng lúc vi phạm.

Câu hỏi nêu trên về lý thuyết mà nói thì có thể trả lời là có. Nhưng thực tế mới mang đến đáp án đúng nhất, chính xác nhất.

Thực tế ấy đã có: Hà Nội và TPHCM trong năm 2010 được “đặc cách” tăng nặng một loạt mức phạt. Tuy nhiên, số vụ tai nạn không hề giảm mà còn tăng. Như vậy, có thể thấy tăng phạt tiền là chưa đủ.

Trong bối cảnh tai nạn giao thông  vẫn đang nhức nhối như hiện nay, việc các cơ quan quản lý phải hành động để cải thiện tình hình là điều cần ủng hộ. Tai nạn giao thông ở nước ta rất nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong mà một trong những nguyên nhân cơ bản chính là ý thức người tham gia giao thông.

Sự coi thường luật lệ, sẵn sàng vi phạm luật giao thông hiện diện khắp nơi và để cải thiện, hình phạt “đánh” vào túi tiền là phương cách cơ bản, phổ quát nhất, nước nào cũng áp dụng.  Nhưng thực tế ở nước ta đã chứng minh rằng, người vi phạm giao thông sẵn sàng “tiêu cực”, sẵn sàng thỏa thuận với các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường để được cho qua. Chính vì thế, dù có tăng tiền phạt thì ý thức của nhiều người tham gia giao thông vẫn không được cải thiện mà khả năng nảy sinh tiêu cực hoàn toàn có khả năng và cơ hội tăng lên.

Vì vậy, chỉ tăng tiền phạt mà không kiểm soát tốt lực lượng thực thi pháp luật thì chắc chắn tai nạn không giảm mà tiêu cực lại càng phổ biến hơn.

 Nói như thế không có nghĩa là không nên tăng nặng tiền phạt, nhưng nếu chỉ tăng mức phạt tiền không thôi thì chưa đủ bởi những lý do nói ở trên. Trong khi chưa ai dám nói chắc sẽ đảm bảo hạn chế ở mức thấp nhất tiêu cực (thực ra kể cả ở mức gọi là thấp nhất, thì cũng chẳng ai nói được nó thấp ở mức nào). 

Và xử lý vi phạm giao thông đâu chỉ có mỗi việc phạt tiền. Nếu mở rộng áp dụng các hình thức “phi tiền tệ” như giam phương tiện, thu bằng lái, phạt lao động công ích…, hiệu quả răn đe rất có thể cao hơn nhiều mà lại hạn chế được tiêu cực liên quan đến tiền. Nhiều nước đã áp dụng thành công, tại sao ta chưa làm?