Chết chưa hết

TP - Nếu ai đó bảo “chết là hết”, mẹ chồng Tây của tôi sẽ buồn rầu đáp rằng “làm gì có chuyện ấy”.
Nghi lễ rải tro của Neil Amstrong xuống Đại Tây Dương. Nguồn: AFP

Hơn chục năm trước, bà ngoại của chồng tôi muốn khi chết được nằm chung mộ với con rể chẳng may mất sớm trước đó (tức là bố chồng tôi). Bây giờ, mẹ chồng tôi ngồi nhặt cỏ, thay nước và thắp nến trước ngôi mộ chung rồi chỉ tay vào bức tường xếp ô nhỏ kiến trúc kiểu tổ ong “Mẹ chết đừng chôn, hỏa thiêu, đặt tro vào chiếc hộp đó”.

Bỉ là một trong những nước thuộc châu Âu có mật độ dân số tăng nhanh tại thành phố lớn, nghĩa trang dần thu hẹp. Thêm nhiều người muốn tro cốt rải xuống biển chứ không phải trên cỏ xanh.

Thời khủng hoảng kinh tế, tài chính cũng là một nguyên nhân. Chi phí lễ thả tro trên biển khoảng 825 Euro. Còn thực hiện nghi lễ truyền thống một cách tiết kiệm nhất bao gồm hỏa thiêu, rải tro trên cỏ nghĩa trang sau đó mời người dự lễ bữa ăn nhẹ (gồm banh mì kẹp thịt và trà, cà phê), tổng chi phí khoảng 4.000 Euro. Ấy là chưa kể tiền duy trì, bảo quản mộ phần trong nghĩa trang hàng năm. Không trả phí này, người ta di dời mộ đi đâu chẳng biết.

Nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong, nhà thám hiểm Sir Francis Drake, đạo diễn Alfred Hitchock và Janis Joplin - biểu tượng nhạc rock những năm 1960 đều yêu cầu gửi tàn tro của mình xuống biển. Tro cốt của Neil Amstrong rải ở Đại Tây Dương, Drake tan biến vào biển Panama còn “vua của dòng phim kinh dị” Hitchock ngủ yên dưới đáy Thái Bình Dương lâu rồi.

Không như một số quốc gia khác, Bỉ vẫn cho phép đem tro cốt người thân về nhà. Nhưng câu hỏi “người ta còn muốn thấy bình tro cốt đặt trong phòng khách hoặc ngăn tủ bao lâu nữa?” cứ lớn dần. Những công ty chuyên thực hiện nghi lễ rải tro cốt trên đại dương ngày càng nhận nhiều đơn hàng. Có công ty trung bình mỗi năm thực hiện đến 200 hợp đồng (quy định cách bờ ít nhất 500m). Một nhà sư gốc Việt cũng là khách hàng của công ty này.

Ngày xưa, dọc đường đến trường cấp II tôi thường thấy cảnh một đám người che chiếu lúi húi bốc mộ trước bình minh trong tiếng khóc hờ thê lương. Một cái chết hai lần chôn.

Con đường đi học qua nghĩa địa thời ấu thơ đã ám ảnh tôi về ý nghĩa của việc hành xử với một cơ thể chết. “Cô lạ thật. Người ta tham quan lâu đài, còn cô đòi xem nghĩa trang”, anh họ lẩm bẩm lái xe vào nghĩa trang của người Do Thái ở CH Séc. 

Cũng vì đây là nghĩa trang cổ và kỳ lạ bậc nhất châu Âu nên tôi mới xem. Lúc đó cuối thu, lá phủ dày một màu nâu ẩm ướt làm những tấm bia đá trong nghĩa trang của người Do Thái thêm xám lạnh. Cả trăm nghìn người chết quy về nơi tưởng rộng bỗng hóa chật hẹp này. Các thi thể mai táng chồng lên nhau ít nhất 12 lớp, bia cũng thu nhỏ lại.

Không phải bia nữa, mà là những cột đá nhọn hoắt chen chúc vươn lên trời. Tôi cứ chìm đi nhẩm đếm ai chết già, ai chết trẻ, ai là nạn nhân Thế chiến thứ hai. Cảm giác như bị bóng đè bởi mật độ dưới mộ, bởi cột bia đá ken dày xô đẩy.

Chôn cất nguyên thi thể hay hỏa táng vẫn có mộ phần hoặc hỏa táng rồi rải tro tan biến vào cỏ, vào đại dương..., người sống cứ phải làm thế cho người chết, vì lý do gì? Giờ tôi đã thôi băn khoăn cách này văn minh, cách kia gọn nhẹ. Bởi hiểu ra rằng quy luật muôn đời người chết có muốn “chết là hết”, người sống vẫn nói câu đồng âm khác nghĩa “chết chưa hết”. 

Ngay việc chọn biển để “đến tận cùng của thế giới và đại dương”, trở lại đất liền thuyền trưởng vẫn đưa cho gia đình một tờ giấy ghi rõ vị trí hải lý nơi tro cốt được thả xuống. Nghĩa là vẫn có một tọa độ biển- nấm mộ nào đó găm vào lòng người sống. Quên đi sao được. 

Chẳng cứ là người vĩ đại “bước lên mặt trăng” Neil Amstrong, có khi sống một đời tẻ nhạt thiếu yêu thương thì chết còn kịp hành động ý nghĩa- thức tỉnh người sống hiểu hơn về dương thế.