Bạn bè bảo “cứ phải chanh chua với chồng mới chịu”. Chanh chua gì đâu, khoa học rõ ràng. Ở Bỉ người ta động viên nam giới hiến tinh trùng, tự nguyện vẫn được tặng 50 Euro/lần, không khuyến khích người quá 45 tuổi.
Một phụ nữ Bỉ tôi quen biết vừa hiến trứng, kể: Cái gì cũng có giới hạn. Mỗi phụ nữ chỉ được hiến trứng 6 lần trong đời. Phải bơm thuốc vào người, trong 3 tuần bụng to như mang thai 5 tháng, cực khổ hơn nên được tặng 2.000 Euro/lần. Đầu tôi bật phép tính “Sáu lần hai mười hai”.
Tính vui thôi. Cách đây 6 năm, ở TPHCM tôi từng hiến máu nhân đạo. Rút kim tiêm, được nhận một phong bì và mời ra căng tin ăn phở. Phở tôi ăn, phong bì (đâu như 100.000đồng) thì bỏ hòm từ thiện cạnh đó.
Chưa biết máu mình có đủ chất lượng không, cảm giác lâng lâng tự hào vẫn ngập tràn, kiểu “Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm/Là người, tôi sẽ chết cho quê hương” (“Tự nguyện”- Trương Quốc Khánh).
Thế cho nên tôi tin vào tinh thần tự nguyện trong hoàn cảnh khó khăn nhất, đặc biệt khi cùng mối quan tâm thiêng liêng: Bảo vệ Tổ quốc và dân tộc mình, dù là người viễn xứ.
Tôi cũng tin chồng không nói chơi. Nhà ba anh em trai, chỉ chồng tôi chịu nhập ngũ. Đi bộ đội thời bình hay thời chiến đều ích lợi. Những năm quân ngũ ở Bỉ rèn cho anh tính kỷ luật đúng giờ, một là một hai là hai, không khiến ai phải sửa sai vì mình làm ẩu.
Tôi càng tin nhiều ông chồng Tây lấy vợ Việt ở Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển... tự nguyện ngồi nhà trông con cho vợ đi biểu tình phản đối chính quyền Trung Quốc đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Cô bạn lấy chồng gốc Việt ở Munich (Đức) thì cả nhà cùng đi. Trước khi hô khẩu hiệu, con gái 6 tuổi cẩn thận hỏi “Tại sao phải hô thế, ý nghĩa gì?”. Có phải cứ bảo trẻ nhỏ la hét theo phong trào mà được đâu.
“Nếu không biết chắc cảnh sát ở Munich đến bảo vệ chính người biểu tình thì ai dám vác con đi”, bạn giải thích. Khôn ngoan ở chỗ ấy. Phương Tây được tiếng dân chủ, tự do ngôn luận nhưng vẫn kiểm soát được tình hình bởi có luật biểu tình. Hai cuộc biểu tình của Tổng hội người Việt tại Bỉ kết hợp với Hội sinh viên Việt ở Bỉ vừa qua trước Sứ quán Trung Quốc và trước Hội đồng châu Âu tại Brussels (ảnh) đều phải xin phép chính quyền địa phương. Đơn ghi rõ lý do biểu tình, ngày nào, bao nhiêu người, cam kết không vi phạm luật biểu tình của Bỉ.
Chờ khoảng 3 ngày được cấp phép, giới hạn thời lượng biểu tình trong 3 giờ. Khoảng 300 người Việt kéo đến trước sứ quán Trung Quốc đã thấy được bố trí chỗ đứng biểu tình đàng hoàng, sẵn cảnh sát giăng hàng giám sát, bảo vệ trật tự.
Một người bạn khác, cô dâu Việt ở miền Bắc Đài Loan thở dài “Thoạt đầu họ ủng hộ mình ghê lắm. Từ khi xảy ra biểu tình gây tổn thất cho doanh nghiệp của họ ở Bình Dương, xấu hổ không dám xem thời sự nữa”. Xấu hổ ngồi chờ thời gian qua, chẳng dễ dàng thế được. Các cô dâu Việt ở miền Nam Đài Loan đã hành động. Tự nguyện đứng lên cất lời xin lỗi chân thành.
Lúc này, chính nhiều người nước ngoài đang truyền cho tôi cảm hứng yêu nước mình hơn. Ví như một phụ nữ Bỉ cùng ngồi ở phòng chờ bệnh viện hỏi “Cô người nước nào”, “Việt Nam”, “Ôi, tôi đến rồi.
Chơi vùng núi phía Bắc cả tháng, tuyệt đẹp. Rồi về Hà Nội ăn phở, tuyệt ngon, nhớ mãi”. Nhiều lúc cảm hứng truyền từ chính chồng mình, khi anh giở album ra khoe “Biển Việt Nam đẹp thế chứ đâu như biển bên này” khiến đám bạn gật gù “Tao cũng muốn sang Việt Nam lấy vợ”.
Tôi an ủi chồng rằng thời thanh niên sôi nổi đã qua, nhưng cứ chăm chỉ làm ăn, phấn đấu kiếm đủ tiền mỗi năm về thăm mẹ ở Việt Nam một lần. Biết thêm nhiều món ngon và cảnh đẹp về giới thiệu, mời gọi bạn bè đến Việt Nam du lịch, cũng là yêu nước.