Chấp nhận sống chung

TP - Hôm trước, mình phản biện lại nhận định của mấy vị cho rằng, thời nay có xu hướng trở nên xơ cứng, chai lỳ, sắt đá và vô cảm…thế mà cậu cứ bem bẻm cãi lại tớ…

- Thì mình đâu là cừu để nghe là tin. Mình chỉ phản biện là các ví dụ cậu nêu nó không đủ thuyết phục thôi!

- Chừng đó ví dụ mà chưa đủ chứng minh điều ngược lại à? Mình nói, nhận định của các vị đó là chủ quan, đúng không? Chai lỳ, xơ cứng, sắt đá thế nào được, khi, một cơn gió thoảng thôi đủ làm gãy cột điện với đầy đủ bê tông, giằng, néo? Sắt đá vào đâu, khi chỉ với một cơn mưa ngâu đủ gợi hứng thi ca mà đã cuốn trôi cả mố cầu tiền tỷ? Trơ lỳ cỡ nào mà chỉ một chiếc công nông nổ máy lấy đá bên cạnh mà đổ sụp cả con đập thuỷ điện? Sơ sơ mấy ví dụ đó thôi để thấy thời nay, cái gì cũng dễ tổn thương, mong manh dễ vỡ…

- Quá tam ba bận, thì chỉ được xếp vào chuyện hi hữu thôi. Để thuyết phục, hãy cho mình ví dụ thứ tư đi!

- Thiếu gì! Có ngay đây! Sinh viên nội trú tại khu nhà B, kí túc xá Đại học Quốc gia TPHCM phát hiện gạch lát sàn nền phồng rộp và vỡ vụn. Họ cho rằng, chất lượng công trình có vấn đề…

- Thế thì chắc chắn có vấn đề rồi!

- Bậy! Cậu chỉ được cái nhanh nhảu đoảng! Ông giám đốc kí túc xá đó sau khi nghiên cứu rất bài bản và đúng quy trình đưa ra kết luận: Nguyên nhân do sinh viên đến ở lau nhà, ướt, ẩm, nhiệt độ thay đổi nên làm tổn thương gạch…

- Ôi! Thiên địa, trời đất, thánh thần, cha mẹ ơi! Lần đầu con nghe gạch đá mong manh, đa cảm đến cỡ đó! Đúng là kết luận này nên đưa vào giáo trình xây dựng, môn Sức bền vật liệu…

- Giờ thì tâm phục khẩu phục chưa? Nghe kết luận này xong, các sinh viên bảo nhau soạn một cẩm nang, rằng, để tránh gây hoạ tai bay vạ gió sinh viên cần sống bẩn, với nguyên tắc một là cấm lau chùi nhà…

- Ha ha ha! Đủ rồi, đừng thêm ví dụ nữa! Chấp nhận sống chung với mong manh dễ vỡ thôi…