Các học giả quốc tế: ASEAN - Trung Quốc cần sớm có COC

TP - Ngày 26/7 tại TPHCM, nhiều học giả quốc tế và Việt Nam nói rằng, ASEAN và Trung Quốc cần khẩn trương ký kết Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) – công cụ pháp lý khu vực quan trọng nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan…
Từ trái qua: Luật sư Pierre Schifferli, luật sư Jeanne Mirrer và GS Alexander Yankov trả lời phỏng vấn báo chí sáng 26/7. Ảnh: TĐ

30 học giả quốc tế và nhiều học giả trong nước tham gia thảo luận tại Hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam”, do Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức sáng 26/7 tại Dinh Thống Nhất.

Luật gia Veeramalla Anjaiah, Phó tổng biên tập Daily Jakarta Post (Indonesia), nhận định, Trung Quốc rất hung hăng, sẵn sàng gây hấn với các nước láng giềng về lãnh thổ. Để ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả các vấn đề với Trung Quốc trên biển, một mặt, ASEAN cần chung tiếng nói đoàn kết ký COC với Trung Quốc, mặt khác vận động các quốc gia ngoài khối như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ ủng hộ tiến trình giải quyết hoà bình các vấn đề trên biển Đông với Trung Quốc. 


TS Nguyễn Hùng Sơn, Viện Nghiên cứu biển Đông và GS Andrea Margelleti, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Italia, cùng nêu bật vai trò của ASEAN trong việc giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển Đông. 

Với vai trò là tổ chức quốc tế liên chính phủ của khu vực, ASEAN phải là trung tâm điều phối và hoà giải các tranh chấp giữa các nước thành viên với các nước ngoài ASEAN. Theo hai diễn giả này, ASEAN cần phải phát huy “quyền lực mềm” của mình và khẩn trương cùng với Trung Quốc tiến tới ký kết COC - công cụ pháp lý khu vực quan trọng nhất để giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan. 

ASEAN cần học tập kinh nghiệm của Liên minh châu Âu trong giải quyết tranh chấp để vận dụng vào việc xây dựng COC, cũng như thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. 

TS Trần Phú Vinh, Đại học Luật TPHCM, đưa ra các biện pháp giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Theo đó, Điều 33 Hiến chương quy định các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình (chính trị, ngoại giao, pháp lý), gồm: đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án và trước tổ chức quốc tế bằng các hiệp định khu vực. 

“Các bên nên sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết hoà bình tranh chấp nếu các biện pháp ngoại giao đã áp dụng nhưng không đạt hiệu quả”, TS Vinh nói. 

Tuy nhiên, cái khó của các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp là “bắt buộc phải có sự đồng ý của các quốc gia có liên quan”. 

Theo GS Changsin, Đại học Quốc gia Hàn Quốc, tranh chấp lãnh thổ, biển ở châu Á liên quan chủ yếu đến tài nguyên, các bên liên quan là các cường quốc quân sự, kinh tế, chính trị như Nhật Bản, Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia tranh chấp lại thiếu kinh nghiệm giải quyết. 

Vì vậy, cần phải thiết lập hệ thống các nguyên tắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật để giải quyết các tranh chấp, bất đồng.  

GS. Baladas Ghoshal, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á, ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), cho rằng Việt Nam nên tranh thủ các nước ASEAN vốn đang ngày càng đoàn kết hơn trước một Trung Quốc hung hăng để sớm ký COC với Trung Quốc.

Ngăn Trung Quốc tái diễn vi phạm

Luật sư Jeanne Mirrer, Chủ tịch Hiệp hội Luật sư dân chủ quốc tế (IADL), và luật sư Pierre Schifferli từ Đại học Geneva (Thụy Sỹ) không tin rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành vi sai trái của mình trên biển Đông. Do vậy, lời khuyên của họ cho chính phủ Việt Nam là sớm thống nhất hành động để ngăn chặn Trung Quốc tái diễn, dĩ nhiên đó phải là biện pháp hòa bình, hai luật sư này đề xuất.  

Theo họ, trong nhiều biện pháp hòa bình có thể áp dụng để đối phó hành vi sai trái của Trung Quốc, pháp lý là biện pháp tỏ ra thích hợp hơn cả trong tình hình hiện nay. 

GS Alexander Yankov, nguyên thẩm phán Tòa án Quốc tế về về Luật Biển (ITLOS) thể hiện sự đồng tình bằng cách ví von: Việt Nam cần làm ngay hôm nay hoặc cùng lắm là ngày mai, ngày kia có thể đã là quá muộn.

Dưới góc độ pháp luật quốc tế, các học giả cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và Thỏa thuận về nguyên tắc 6 điểm giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011. 

Đồng thời, hành vi này đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; ảnh hưởng hoạt động hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế; đe dọa hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới; làm tổn hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.