Bí thư Đà Nẵng: 'Tiền làm BOT đều vay ngân hàng'

TPO - Sáng 12/12, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Sơn Trà, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã dành nhiều thời gian để nói về các dự án BOT trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Đây cũng chính là những vấn đề các đại biểu quận Sơn Trà nêu ý kiến, kiến nghị lên đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh Nguyễn Thành

Ông Nghĩa cho biết, trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm đến các dự án BOT và đã có thanh tra toàn diện việc này. Hiện giám sát của Quốc hội, Thanh tra của Chính phủ, Kiểm toán của nhà nước đang thực hiện việc giám sát dự án Quốc lộ 1

Ông Nghĩa cho biết, tháng 4/2016, ông về làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Vào tháng 6/2016, Bộ GTVT tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện đầu tư BOT giao thông. Qua đánh giá, chủ trương đầu tư BOT là đúng vì nguồn lực của nhà nước còn rất hạn chế, trong khi nguồn lực xã hội rất nhiều. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án BOT chưa đạt được mục đích huy động nguồn lực xã hội. Vậy nên cuối cùng các dự án huy động nguồn lực ngân hàng chứ không phải các nguồn lực khác trong dân. Thực tế các dự án BOT đều vay ngân hàng, rủi ro tài chính rất lớn.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói về dự án BOT giao thông trước cử tri của thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

“Sau hội nghị tổng kết đó, Bộ GTVT quyết định tạm dừng hết các dự án và đưa ra các tiêu chí cụ thể để đầu tư các dự án BOT”, ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nghĩa, từ tháng 6/2016 đến nay không có một dự án BOT nào khởi công. Hiện tại, Chính phủ đang tập trung rà soát các bất cập về BOT.

Quyết toán lộ ra tất cả

Ông Nghĩa cho biết, hai việc lớn nhất liên quan đến BOT thời ông làm Bộ trưởng là tạm dừng các dự án, rà soát, đánh giá, đưa ra mức phí cho phù hợp tất cả các hệ thống, và tập trung vào quyết toán.

“Khi đưa ra quyết toán sẽ phản ánh một số vấn đề như chi tiêu ra làm sao, quan hệ như thế nào? Dự án ấy là của ai? Của anh hay của em đều lộ hết ra”, ông Nghĩa phát biểu.

Ông Nghĩa cho hay, BOT "sẽ tiếp tục làm, nhưng không làm như thời gian vừa qua". “Một số địa phương đề nghị nhà nước mua lại dự án BOT. Mua lại thì đơn giản quá nhưng nhà nước có tiền đâu?” ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng cho rằng các dự án BOT cũng xuất phát từ bức xúc, nóng vội của một số địa phương và thực tế là nóng vội của Bộ GTVT. Ngoài ra, còn có cả tính hình thức, phong trào, tính hình ảnh cá nhân và có cả lợi ích trong các dự án BOT.

“Suy cho cùng trách nhiệm đầu tiên là của Bộ GTVT, nhưng một dự án BOT thì phải qua 6 Bộ mới chấp thuận. Giải quyết vấn đề này phải đòi hỏi bài bản, căn cơ hơn. Bởi tính liên quan và hệ lụy rất lớn.” ông Nghĩa trình bày.