Theo Bộ LĐ-TB&XH, do hệ thống dịch vụ hỗ trợ trẻ em, cơ quan truyền thông đại chúng bao phủ rộng hơn nên số vụ việc bạo hành bị phát hiện ngày càng nhiều.
Trách nhiệm thuộc địa phương
Chiều 16/10, trả lời câu hỏi của báo Tiền Phong về trách nhiệm và các biện pháp bảo vệ trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nói rằng, trách nhiệm để xảy ra những vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em trước hết thuộc chính quyền địa phương và ngành giáo dục (quản lý trực tiếp). Theo ông Nam, hầu hết các vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra trong các nhà trẻ tư thục (nhóm trẻ gia đình). Toàn bộ những vụ việc xảy ra đều trong khuôn viên trường, do những người nuôi dưỡng trẻ xâm hại, thuộc quản lý của ngành giáo dục. “Trách nhiệm của chúng tôi là sẵn sàng phối hợp với giáo dục để phòng ngừa và xử lý, phối hợp cùng Bộ Y tế giải quyết thương tích cho các em. Hoặc những em bị ảnh hưởng tâm lý, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giúp các em tái hòa nhập cộng đồng”, ông Nam nói.
Trẻ mầm non có thể bị bạo hành như thế này.
Theo ông Nam, số vụ bạo hành, xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Tuy vậy, ông Nam không thể đưa ra con số chính xác số vụ, số trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
Về xử lý sau khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại, ông Nam cho biết, hiện đã có những chính sách trợ giúp khám, chữa bệnh, trị liệu để những nạn nhân trẻ em tái hòa nhập cộng đồng. Hiện hầu hết địa phương đều có trung tâm bảo trợ và chăm sóc trẻ em, các trung tâm này phối hợp các cơ quan để cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em. Tuy vậy, ông Nam thừa nhận, hiện dịch vụ hỗ trợ để nạn nhân trẻ em tái hòa nhập cộng đồng tại Việt Nam chưa phát triển.
Phòng ngừa là chính
Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, để giảm số vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, cần tập trung vào những giải pháp mang tính phòng ngừa. Tuy vậy, hiện đội ngũ nhân sự trợ giúp trẻ em ở các địa phương còn rất thiếu. “Khi chúng ta có đội ngũ làm công tác xã hội ở cộng đồng, việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em sẽ tốt hơn”, ông Nam nói.
Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đường dây nóng (số 18001567) để ghi nhận, tư vấn và xử lý những vấn đề liên quan tới trẻ em. Mỗi năm đường dây này nhận khoảng 300.000 cuộc gọi. Tuy nhiên, việc truyền thông quảng bá đường dây chưa thường xuyên, đa số người dân chưa biết.
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Luật Trẻ em, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 này. Ông Nam kỳ vọng, khi luật mới có hiệu lực công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ tốt hơn. Luật mới sẽ quy trách nhiệm tố cáo và tiếp nhận thông tin tới từng người dân. Nếu người dân biết các hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em nhưng không tố cáo có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, quy trách nhiệm cụ thể hơn tới chính quyền địa phương. Đồng thời, Chính phủ sẽ xây dựng quy định cụ thể về chính sách để hỗ trợ trẻ em.
Về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng LĐ-TB&XH, nói rằng, sau 3 phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mới đưa được ra mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 bình quân 12,4%. So với các cuộc họp của hội đồng những năm trước, các phiên họp năm nay có nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) lại tiếp tục có ý kiến về mức tăng trên. Tổng Liên đoàn Lao động (đại diện người lao động) muốn tăng cao hơn, trong khi VCCI (đại diện giới chủ) muốn mức tăng giảm xuống. “Bộ LĐ-TB&XH với vai trò bên thứ 3, phải làm sao cân đối mức tăng lương đề nghị giữa các bên, làm sao tìm phương án tốt nhất”, bà Lan nói.