Bão có độ rủi ro chỉ sau cấp thảm họa
Chiều 3/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó khẩn cấp với bão số 12 ngay tại Khánh Hòa- địa phương dự kiến là tâm bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung tương, lúc 16h ngày 3/11, bão số 12 cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 300km về phía đông với sức gió cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo khoảng sáng sớm mai (4/11), bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Đến khoảng 16h ngày 4/11, bão nằm trên khu vực biên giới Việt Nam- Campuchia. Bão sẽ làm mực nước ven biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận dâng 0,5-1,0m. Sóng vùng tâm bão cao 6-8m, ven bờ Quảng Ngãi đến Bình Thuận cao 3-5m. Ngoài ra, ven biển Nam bộ đề phòng triều cường cao trong những ngày tới do thủy triều lên cao kết hợp với nước dâng do gió mùa.
Đáng lo ngại, bão kết hợp không khí lạnh mạnh sẽ gây mưa rất to đến đặc biệt to ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận. Mưa có thể lan rộng ra Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Cấp độ cảnh báo thiên tai Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận được nâng lên cấp 4, độ rủi ro rất lớn (giống bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung bộ hồi tháng 9 vừa qua).
Theo cơ quan khí tượng, bão số 12 có thể là cơn bão mạnh nhất trong năm nay. So với cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh vừa qua, cơn bão này sẽ có gió giật mạnh hơn do tác động của không khí lạnh.
Khẩn cấp di dân, cho học sinh nghỉ học
Xác định là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, tại cuộc họp khẩn cấp chiều qua, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cho biết, họ đã tập trung di dời dân khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều nay, tỉnh đã di dời trên 4.000 hộ, với 18.000 người. Đến nay, toàn bộ trên 6.500 tàu của tỉnh cũng về nơi neo đậu, trú tránh. Khánh Hòa cũng tổ chức neo chằng trên 34.000 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; 6 hồ thủy lợi cũng đã xả nước để đón bão.
Trong khi đó, tại Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xác định bão số 12 là cơn bão mạnh, nên địa phương đã tập trung toàn bộ lực lượng phòng chống bão. Tỉnh đã yêu cầu các nhà mạng nhắn tin đến từng người dân thông qua số điện thoại di động đẻ chằng chống nhà cửa, trú tránh.
Theo ông Vinh, trên biển, toàn bộ tàu thuyền đã vào khu trú tránh an toàn. Tỉnh cũng yêu cầu tất cả các cơ quan có khu du lịch biển, đảo phải đảm bảo an toàn cho du khách, không cho du khách tắm biển hoặc tham quan đảo.
“Hiện tỉnh đã sơ tán 6.000 người dân. Đến 18h ngày 3/11, sẽ cưỡng chế tất cả các hộ dân còn lại để đảm bảo an toàn. Tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn phải xả tràn”- ông Vinh cho biêt.
Tại Ninh Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Trần Quốc Nam cho biết, tỉnh đã cấm biển từ 13h ngày 2/11. Ninh Thuận có 2.330 tàu đã neo đậu an toàn, trong đó có 347 chiếc đang đánh vùng biển khác cũng về neo đậu ở khu vực DK2 và tỉnh bạn.
Tuy nhiên, tỉnh còn 1 tàu/7 ngư dân đánh cá ở khu vực DK2 chưa liên lạc được, đề nghị các địa phương và T.Ư giúp đỡ. Ninh Thuận cũng cho học sinh nghỉ học từ sáng 4/11; tiến hành rà soát, liên thông kế hoạch vận hành hồ 19 hồ chứa, hiện có 5 hồ đã xả.
Còn tại Bình Định, vấn đề lo ngại nhất hiện là các hồ chứa. ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, 3 ngày qua, trên địa bàn tỉnh mưa lớn, có nơi tới 400mm, các sông lên báo động 2-3. Bình Định 165 hồ chứa, nhưng tới 80 hồ chứa (dung tích chủ yếu 5-8 triệu m3) đã đầy nước. Hiện 56 hồ chứa xuống cấp, chủ yếu loại dung tích 3-5 triệu m3, tỉnh đã “lệnh” xả nước, cho tích một nửa.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, đến chiều nay, tổng số tàu thuyền đã thông báo, kiểm đếm là 60.547 tàu/288.626 lao động. Theo kế hoạch, các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ sơ tán gần 96.500 hộ, với gần 427.000 người trong cơn bão số 12.
Xả lũ tùy tiện, chủ hồ phải chịu trách nhiệm
Trước độ rủi ro rất lớn của cơn bão, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng: “Phải sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ. Nếu không cảnh giác cao độ, chủ quan, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Cơn bão này có độ rủi ro cấp 4, chỉ sau cấp thảm họa. Trong năm nay, cơn bão số 10 vừa rồi cũng đạt cấp rủi ro 4”- ông Cường nói.
Ông Cường cho biết, qua kiểm tra, rất nhiều hồ xuống cấp, đã đầy, nên phải có phương án ứng phó khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, lưu ý không để mất thông tin liên lạc gây khó khăn cho chỉ đạo ứng phó.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, bằng mọi cách phải sơ tán người dân trong đêm 3/11, không để người dân trên các lồng bè, nuôi trồng thủy sản, hoặc khu vực nguy hiểm, nếu cần thiết phải cưỡng chế.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo, phối hợp với các địa phương để đảm bảo các hồ đập thủy lợi, đề điều, nhất là công trình xung yếu; Bộ Công Thương rà soát các hồ thủy điện, nhất là vấn đề xả lũ khi mưa lớn.
“Với các công trình, khi nước lên, xả lũ tùy tiện, không thông báo trước cho địa phương, gây thiệt hại tính mạng, tài sản của người dân thì chủ công trình đó phải chịu trách nhiệm”- Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, phối hợp với Đà Nẵng, chủ động lên phương án ứng phó với mưa bão trong tuần lễ APEC, nhất là vấn đề giao thông, điện, thông tin liên lạc, di dân...
Được biết, TP Đà Nẵng đã lên kịch bản với 3 nguy cơ là bão, mưa lớn và sóng thần; cùng đó tổ chức trực ban 24/24, xử lý sạt lở đất đá ở vùng bán đảo Sơn Trà.